Ngày 15-9 (giờ địa phương), Văn phòng tổng thống Nga thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm sau vụ bắn tên lửa cùng ngày của CHDCND Triều Tiên. Hai tổng thống đã nhất trí không chấp nhận leo thang căng thẳng, đồng thời kêu gọi đàm phán trực tiếp với Triều Tiên để giảm căng thẳng hiện nay.
Putin mạnh mẽ phản đối cấm vận
Quan điểm của Nga về sử dụng giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã được Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố. Hơn một tuần trước, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 6-9 bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2017 tại Vladivostok (Nga), ông Putin đã nhấn mạnh: “Rõ ràng không thể giải quyết vấn đề của bán đảo Triều Tiên bằng cấm vận và gây sức ép. Đừng để cảm xúc lấn át và đừng dồn Triều Tiên vào chân tường”.
Trước đó, hôm 5-9, bên lề hội nghị cấp cao các nước BRICS ở Hạ Môn (Trung Quốc), Tổng thống Putin cũng đã khẳng định áp đặt các biện pháp cấm vận mới với Triều Tiên là vô ích và không hiệu quả. Ông đánh giá “lao vào cơn sốt quân sự quanh Triều Tiên không có ý nghĩa gì hết và điều này chỉ có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu”.
Thực tế cho thấy Triều Tiên vẫn không chùn bước trước các biện pháp cấm vận ngày càng khắc nghiệt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngày 11-9, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua nghị quyết cấm vận thứ tám (nghị quyết 2375) để trừng phạt Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu (bom H) một tuần trước. Tuy nhiên, ba ngày sau Triều Tiên tiếp tục bắn thử tên lửa. Theo phân tích của giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc, tên lửa tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên đã bay xa khoảng 3.700 km, lên đến độ cao 770 km vượt qua miền Bắc nước Nhật và rơi xuống Thái Bình Dương.
Trong phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ ngay sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa ngày 15-9, các phát biểu kêu gọi đàm phán với Triều Tiên ngày càng khẩn trương hơn.
Đại sứ Ethiopia, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 9, tuyên bố Hội đồng Bảo an LHQ lên án hành động bắn tên lửa của Triều Tiên là khiêu khích cao độ và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay khiêu khích. Lần này lời lẽ của Hội đồng Bảo an LHQ không còn mang tính chất đe dọa hay nói đến cấm vận nữa.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya tố cáo cái vòng luẩn quẩn sau mỗi lần Triều Tiên thử tên lửa và kêu gọi đàm phán trực tiếp với Triều Tiên: “Một nghị quyết cho một khiêu khích, rồi một nghị quyết cho một khiêu khích khác. Nhiều người cho rằng chúng ta nên suy nghĩ theo cách khác”.
Cuộc đấu giữa Donald Trump và Kim Jong-un theo biếm họa của Patrick Chappatte người Thụy Sĩ gốc Lebanon.
Cấm vận quốc tế có hiệu quả không?
Hai ngày trước khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 2375, LHQ đã công bố báo cáo khẳng định quốc tế càng áp đặt cấm vận để ép Triều Tiên ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên càng tìm cách tránh né cấm vận. Thời gian nghiên cứu của báo cáo kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8-2017. Báo cáo ghi nhận trong thời gian này Triều Tiên đã đạt tiến bộ đáng kể về vũ khí hủy diệt hàng loạt, bất chấp chế độ cấm vận toàn diện chưa từng thấy của LHQ.
Cấm vận thực ra là biện pháp của các nước phương Tây. Cho dù Hội đồng Bảo an LHQ ban hành nghị quyết cấm vận nhưng Mỹ và châu Âu vẫn giữ vai trò cổ súy trong quá trình thông qua nghị quyết. Ngược lại, các nước mới nổi đánh giá cấm vận là hình thức can thiệp.
Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp) Sylvie Matelly nhận định các chủ thể ban bố cấm vận thường cho rằng cấm vận là biện pháp hiệu quả vì như vậy sẽ tránh sử dụng biện pháp quân sự tốn kém. Lợi ích của biện pháp cấm vận quốc tế là tránh leo thang tình hình và khi cần có thể dỡ bỏ cấm vận. Song trên thực tế thật khó đánh giá hiệu quả của cấm vận, đặc biệt là cấm vận kinh tế.
Trong quá khứ, chính quyền của Tổng thống Obama áp đặt cấm vận đối với Myanmar nhằm khuyến khích cải cách hơn là trừng phạt vì Mỹ đã đầu tư vào nhiều chương trình viện trợ ở Myanmar. Đối với Nga, biện pháp cấm vận chỉ mang ý nghĩa biểu tượng rằng cộng đồng quốc tế không thể làm gì khác hơn là cảnh báo lằn ranh đỏ đã bị vượt qua sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Biện pháp cấm vận áp dụng đối với Nam Phi trong thập niên 1970 mang lại hiệu quả vì đã xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc. Tại Iran, nhờ biện pháp cấm vận Iran mới ký kết hiệp định về hạt nhân. Tuy nhiên, cần ghi nhận là hiệu quả chỉ đạt được sau thời gian áp đặt cấm vận khá dài.
Trong phần lớn trường hợp, giới lãnh đạo ở quốc gia bị cấm vận kinh tế như Nga và Iran chỉ củng cố thêm quyền lực và tìm cách khắc phục hậu quả cấm vận. Tại Nga, nông nghiệp nội địa đã được củng cố nhờ giảm nhập khẩu sau cấm vận.
Đối với Triều Tiên, chuyên gia Sylvie Matelly ghi nhận cấm vận kinh tế hầu như không tác động trực tiếp đến tầng lớp lãnh đạo mà chỉ ảnh hưởng đến dân chúng, bởi thế cấm vận là biện pháp cần thiết nhưng nói chung không hiệu quả. Chuyên gia Alexander Gabuev ở Viện Carnegie tại Moscow nhận xét: “Đến giờ tác động của cấm vận nhằm thay đổi thái độ của Triều tiên dường như rất hạn chế”.
Hãng thông tấn KCNA (Triều Tiên) đưa tin trong buổi thị sát vụ bắn thử tên lửa ngày 15-9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẽ đạt được mục tiêu hoàn thiện sức mạnh hạt nhân bất chấp cấm vận và phong tỏa nhằm mục đích cân bằng quân sự với Mỹ. Ông đánh giá Triều Tiên đã đạt mục đích, hiện thời chương trình hạt nhân đã gần hoàn tất. |