Theo BBC, sáng sớm ngày 15-9, Triều Tiên lần nữa lại phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ Bình Nhưỡng bay qua vùng trời Nhật Bản, rồi cuối cùng rơi xuống Thái Bình Dương.
Trong khi Nhật Bản báo động người dân tìm nơi trú ẩn, truyền thông nước ngoài rầm rộ đưa tin và đăng lời chỉ trích thì người ta lại lo ngại về nguy cơ tên lửa của Triều Tiên có thể bắn trúng một máy bay dân sự đang chở hành khách.
Người ta lo sợ bởi cả hai vụ phóng gần đây của Bình Nhưỡng đều được tiến hành mà không có bất kỳ cảnh báo nào.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-12 của Triều Tiên trong vụ phóng hôm 29-7. Ảnh: KCNA
Các chuyên gia nhận định xác suất xảy ra một vụ tai nạn như vậy là rất thấp song nguy cơ này có tồn tại. “Nếu một máy bay hành khách bị trúng tên lửa, áp lực đáp trả bằng hành động quân sự từ Mỹ và các đồng minh sẽ rất, rất cao” - Vipin Narang, một chuyên gia an ninh về Nam Á tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định.
Chuyên gia Narang thêm rằng kịch bản này rất khó xảy ra song vẫn có nguy cơ và có thể là “con đường dẫn tới chiến tranh”. Chuyên gia Ankit Panda làm việc tại tờ The Diplomat (Nhật) cũng có cùng nhận định: “Những vụ thử tên lửa này đặt ra đe dọa cho các máy bay thương mại”.
Bình Nhưỡng không hề thông báo các vụ thử tên lửa của nước này có nghĩa là các vụ thử diễn ra mà không hề được cảnh báo hay được thông báo về đường bay tên lửa. Thông thường, các quốc gia phải công bố cụ thể, rõ ràng trước khi tiến hành bất cứ vụ thử nào để các hãng hàng không và tàu thuyền còn biết mà tránh những khu vực nhất định.
Giống như những quốc gia khác, Triều Tiên đã tiếp cận dữ liệu hàng không dân dụng quốc tế, vì vậy các nhà khoa học mới có thể nghiên cứu không phận mà tên lửa họ phóng sắp bay qua và xác định khu vực nào có ít dân cư nhất.
“Bình Nhưỡng chắc chắn là muốn tối thiểu hóa nguy cơ xảy ra bất kỳ vụ tai nạn nào. Trái với những gì mọi người nghĩ, họ không hề muốn có bất kỳ vụ tai nạn nào. Họ sẽ nghiên cứu đường bay của tên lửa để giảm thiểu nguy cơ’ – ông Panda giải thích.
Tuy nhiên, nguy cơ về một vụ tai nạn vẫn có thể xảy ra bởi hai yếu tố: Một là tên lửa bay chệch hướng và bay vào không phận hoạt động tấp nập, hai là tên lửa vỡ tan trong lúc bay và tạo ra các mảnh vỡ.
Bình Nhưỡng đã phân tích và hiệu chỉnh để tên lửa có thể bay qua khu vực thưa thớt nhất của Nhật Bản theo lộ trình mà họ dự đoán giao thông trên không hạn chế nhất, ông Narang nói. Hiệu chỉnh này là dựa trên giả định vụ thử sẽ thành công.
“Vụ tên lửa được phóng vào sáng 15-9 được cho là Hwasong-12, loại tên lửa được phóng trong các vụ thử gần đây nhất đã không đem lại tỉ lệ thành công cao đặc biệt. Vì vậy hoàn toàn có thể tin rằng tên lửa này có thể bay không đúng hướng như mong đợi mà bay vào không phận có hoạt động tấp nập” – ông Narang cảnh báo.
Yếu tố thứ hai là tên lửa có thể nổ tung và vỡ thành từng mảnh ở một nơi nào đó giữa không trung. “Điều này sẽ tạo ra các mảnh vỡ gây nguy hiểm cho các máy bay ở trên cao” – ông Panda giải thích.
Máy bay của hãng hàng không Air France từng có lần suýt bị tên lửa Triều Tiên bắn trúng. Ảnh: GETTY
Lần nữa, BBC khẳng định tỉ lệ thất bại lớn trong các vụ thử tên lửa trong quá khứ của Triều Tiên làm tăng xác suất xảy ra kịch bản tên lửa đánh trúng máy bay dân sự. Mặc dù một vụ tai nạn như vậy không có nhiều khả năng xảy ra, song một số hãng hàng không đã bắt đầu cân nhắc, xem xét chuyện này.
“Một số hãng hàng không thông báo rằng họ đang thay đổi các đường bay, tránh bay qua không phận Triều Tiên và khu vực giữa Triều Tiên và Hokkaido (Nhật Bản)” - Ellis Taylor, nhà phân tích hàng không FlightGlobal cho biết. Người này nói thêm hồi đầu tháng 8, hãng hàng không Air France của Pháp đã mở rộng vùng cấm bay xung quanh vùng trời Triều Tiên.
“Quyết định đưa ra sau khi một máy bay của họ bay vào khu vực thử tên lửa Triều Tiên trong vụ thử lần trước. Trong hành trình bay tới Tokyo và Osaka, máy bay phải mất thêm 10 đến 30 phút nữa mới có thể đáp xuống điểm đến”.
Bên cạnh đó, còn có một rủi ro khác mà các hãng hàng không đang nghiên cứu. Các sự cố giống như vụ bắn rơi MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở không phận Ukraine khiến các hãng bay lo lắng rằng máy bay của họ cũng có thể bị nhận dạng sai là máy bay quân sự khi ở trong hoặc gần không phận quốc tế.
Điều đó có nghĩa là nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục dâng cao, các hãng hàng không có thể quyết định chọn các đường bay không đi qua khu vực này.