Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 31-8, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời Nhật Bản hôm 29-8 có thể làm tăng thêm áp lực lên Washington trong việc bắn hạ tên lửa thử nghiệm, mặc dù không có gì đảm bảo sẽ thành công. Giới chức Mỹ cũng đang cảnh giác tình hình leo thang nguy hiểm với Bình Nhưỡng.
Phá tên lửa sẽ châm ngòi chiến tranh
Một quan chức chính phủ Mỹ nói rằng điều đáng chú ý hơn chính là viễn cảnh về một vụ đánh chặn tên lửa đang lao đến sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa sáng 29-8. Tuy nhiên, một quyết định như vậy không dễ gì được đưa ra trong bối cảnh chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đạt được thành tựu.
Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành thêm ba vụ thử hạt nhân và rất nhiều vụ phóng tên lửa, mỗi lần cho thấy tầm bắn xa hơn. Ảnh: AP
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố “mọi lựa chọn đang được tính đến” để đáp trả Triều Tiên, song đến nay vẫn không có dấu hiệu cho thấy sự xê xịch trong chính sách của Washington hướng tới hành động quân sự, bất chấp Bình Nhưỡng hôm 30-8 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều vụ thử tên lửa nhắm vào Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào gây nguy hiểm cho lãnh thổ Mỹ và đồng minh. Song điều chưa rõ ràng là liệu Washington có sẵn sàng sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng để đánh chặn một tên lửa giống như tên lửa đã bay qua vùng trời Nhật Bản hay không.
Làm như vậy là hành động biểu dương lực lượng của Mỹ chứ không phải hành động phòng thủ. Một số chuyên gia lại đánh giá nguy hiểm ở chỗ Triều Tiên sẽ xem đây là hành động chiến tranh và sẽ trả đũa về mặt quân sự mà hậu quả tiềm năng sẽ do Hàn Quốc và Nhật Bản gánh lấy. Trung Quốc – nước láng giềng và là đối tác thương mại chính của Triều Tiên cũng có thể sẽ phản đối hành động đáp trả quân sự trực tiếp này của Mỹ.
Bắn hụt càng nguy hiểm
Các chuyên gia cho rằng không có gì đảm bảo việc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, kể cả các tàu trang bị tên lửa đạn đạo Aegis trong khu vực và THAAD bố trí ở đảo Guam và Hàn Quốc, sẽ đánh trúng mục tiêu dù rằng các vụ thử nghiệm gần đây đều thành công.
Giả như vụ đánh chặn thất bại thì có thể làm Mỹ bối rối và Triều Tiên “bạo gan” hơn nữa. Mỹ đã mạnh tay chi ra 40 tỉ USD trong hơn 18 năm qua để nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, song chúng vẫn chưa bao giờ được dùng tới trong điều kiện thời chiến.
Ông Mattis trong tháng này bày tỏ tự tin việc quân đội Mỹ có thể đánh chặn một tên lửa phóng đi từ Triều Tiên nếu Guam là mục tiêu. Nếu Triều Tiên thật sự phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh, ông Mattis khẳng định. Tuy vậy, không phải ai cũng tin rằng quân đội Mỹ có thể phòng ngự được trước khả năng tên lửa ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên.
Một số chuyên gia lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay được hướng tới bắn hạ một hoặc một số nhỏ tên lửa sắp lao đến. Nhưng nếu công nghệ và sản xuất tên lửa của Triều Tiên cứ đà phát triển như hiện nay thì khả năng phòng thủ của Mỹ sẽ bị choáng ngợp.
Hệ thống THAAD của Mỹ bắn hạ thành công tên lửa trong một vụ thử nghiệm ở Alaska hồi tháng 7. Ảnh: SCMP
“Nếu vụ bắn hạ thất bại, Mỹ sẽ rất hoang mang dù điều này không có gì ngạc nhiên lắm” – Michael Elleman, một chuyên gia tên lửa tại viện chính sách 38 North ở Washington, nói. “Hệ thống phòng thủ tên lửa không phải là lá chắn để bảo vệ trước tên lửa. Đúng hơn là nó giống như phòng không, được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại mà kẻ thù có thể gây ra” – ông Elleman cho biết.
Một quan chức Mỹ cho hay quân đội nước này sẽ đặc biệt thận trọng việc bắn hạ tên lửa của Triều Tiên dù tên lửa này không đe dọa trực tiếp. Sở dĩ như vậy vì có liên quan tới thương vong dân thường nếu đánh chặn tên lửa bay qua Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với những khó khăn trong việc xác định Bình Nhưỡng sẽ trả đũa như thế nào.
Giới chức quân đội và tình báo Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể tấn công vào kho tên lửa và pháo bình ở Seoul và ở các căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc để đáp trả bất cứ cuộc tấn công quân sự nào. Việc nhắm bắn một tên lửa Triều Tiên đang bay dù không gây nguy hiểm cho Mỹ và đồng minh nhưng cũng có thể đặt ra câu hỏi pháp lý. Nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rõ ràng không cho phép các hành động như vậy.
Nhật Bản cũng đối mặt với các thắc mắc liên quan tới tính pháp lý về bắn hạ tên lửa trong không phận nước mình nhưng lại không trực tiếp nhắm vào Nhật Bản. Theo luật được thông qua vào năm 2015, Tokyo có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể vốn bị giới hạn hoặc hỗ trợ quân sự một đồng minh đang bị tất công nếu xét thấy tồn tại một mối đe dọa cho Nhật Bản.