GS John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Úc (ANU), mới đây cảnh báo nếu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay leo thang thành xung đột, nó có khả năng sẽ đẩy các quốc gia láng giềng Triều Tiên và các siêu cường thế giới vào một cuộc chiến ngoài tầm kiểm soát.
“Có một viễn cảnh dễ thấy về một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên leo thang ngoài tầm kiểm soát” - trang tin news.com.au (Úc) ngày 24-8 dẫn lời GS Blaxland nhận định - “Mặc dù chúng ta quan tâm về việc tránh chiến tranh nhưng nó có thể leo thang không ngừng”.
Theo vị giáo sư Úc, nếu căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ tăng lên mức không thể kiềm chế, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ khởi động một cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA
Trong kịch bản này, Bình Nhưỡng có thể bất ngờ tấn công các mục tiêu tại đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Mỹ khi đó sẽ nổi giận đáp trả, chẳng hạn bằng việc đánh chìm một tàu chiến Triều Tiên. Để trả đũa, Triều Tiên sẽ tổ chức tấn công quân sự nhằm vào Hàn Quốc, gây thiệt hại vật chất và náo loạn.
“Đó có thể là một thách thức đáng kể để Hàn Quốc ngăn chặn tình trạng náo động tại nước này. Động thái có thể đủ cấp bách để buộc Seoul đưa ra hành động” - GS Braxland nói.
Động thái này có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai miền Triều Tiên. Với vị trí nằm gần biên giới với Triều Tiên, thủ đô Seoul của Hàn Quốc có thể chịu thiệt hại đáng kể, với hàng chục ngàn thương vong.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh thật sự nổ ra như vậy, nó sẽ không chấm dứt ở đó. GS Blaxland cho rằng cuộc xung đột có thể khiến Trung Quốc và Nga can dự trước hết. Điều này càng đúng khi Nga muốn cho thấy sự phản kháng Mỹ trong bối cảnh Moscow và các láng giềng đang bị Mỹ áp đặt trừng phạt đơn phương.
Tương quan lực lượng quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Đồ họa: BẢO ANH
“Những người bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị các biện pháp trừng phạt nhắm tới. Họ dính phiền phức. Do đó Nga có thể sẽ dùng cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên để làm thứ gì đó quyết đoán hơn ở khu vực Baltic” - GS Blaxland cho biết.
Nga khi đó có thể bắn một tên lửa hoặc dùng các lực lượng đặc nhiệm để gây sự náo động ở các nước như Latvia, Lithuania hoặc Estonia. Động thái này sẽ làm dấy lên câu hỏi liệu vũ khí hạt nhân sẽ được triển khai ra chiến trường hay không.
Trong trường hợp nếu các binh sĩ Nga bất ngờ bị Mỹ tấn công, tình hình sẽ càng thêm phức tạp. “Nếu một người Nga thiệt mạng và sự việc được truyền thông đưa tin, Tổng thống Putin có thể sẽ làm gì đó để chứng minh sức mạnh của mình” - ông Blaxland nhận định.
Trong khi đó, Trung Quốc, một nước sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng sẽ không đứng yên nếu xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc nằm sát ngay biên giới Triều Tiên nên chắc chắn nước này sẽ không để Mỹ đứng trước “cửa nhà” của mình.
GS Blaxland cho rằng không chỉ đơn thuần Trung Quốc mà các quốc gia như Nhật và các đồng minh Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, khiến tình hình thật sự nằm ngoài tầm kiểm soát.