Trước chuyến công du đến Bắc Kinh (từ ngày 18 đến 21-10), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không đề cập đến vấn đề biển Đông trong chuyến công du.
Hiến pháp không cho phép nhượng bộ
Phát biểu tại cuộc hội thảo của Viện Quản trị châu Á tại Makati ngày 14-10, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo Tổng thống Duterte rằng Trung Quốc có thể yêu cầu Philippines nhượng bộ về chủ quyền trước khi đồng ý đầu tư khai thác các dự án chung.
Ông nhắc lại chuyến đến Hong Kong hồi đầu tháng 8 của cựu Tổng thống Fidel Ramos với tư cách đặc phái viên tổng thống Philippines.
Lúc bấy giờ ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc), đã nói với ông Fidel Ramos rằng trước khi khai thác, Philippines phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough.
Báo Philippines Star đưa tin Phó Chánh án Antonio Carpio giải thích nếu nhượng bộ Trung Quốc về chủ quyền bãi cạn Scarborough, Tổng thống Duterte sẽ vi phạm hiến pháp và có thể bị bãi chức.
Ông dẫn chứng hiến pháp Philippines quy định lãnh thổ quốc gia bao gồm quần đảo Philippines cùng với các đảo và vùng biển và các lãnh thổ khác mà Philippines đang thực hiện chủ quyền hay có quyền tài phán.
Hiến pháp cũng cho phép truy tố nguyên thủ quốc gia về các hành vi mưu phản, mua chuộc, hối lộ, tham nhũng hay phản bội lòng tin của nhân dân.
Ông Antonio Carpio khẳng định nếu Philippines nhượng bộ, chắc chắn Philippines sẽ không bao giờ thu hồi được bãi cạn Scarborough cho dù có đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế.
Tổng thống Duterte có thể bị bãi chức nếu nhượng bộ về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP
Trung Quốc quấy rối ở bãi Cỏ Rong
Phó Chánh án Antonio Carpio ghi nhận Philippines phải bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế hơn bao giờ hết bởi mỏ khí đốt Malampaya sẽ cạn kiệt trong 10 năm nữa và phải tìm nguồn khác thay thế.
Ông nói địa điểm thay thế đó có thể là khu vực bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn chặn mọi nỗ lực phát triển bãi Cỏ Rong của Philippines. Ông nêu lên ba sự cố liên quan đến bãi Cỏ Rong:
• Tháng 3-2011, hai tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã cản trở tàu thăm dò MVVeritas Voyager của Philippines tiến hành thăm dò dầu khí tại bãi Cỏ Rong.
• Cùng năm này, Philippines đã gọi thầu thăm dò khu vực số 3 và số 4 thuộc bãi Cỏ Rong. Trung Quốc đã gửi thư ngoại giao vào tháng 7-2011 cho Philippines yêu cầu rút ngay thông báo gọi thầu và “kiềm chế mọi hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc”.
•Tháng 2-2010, Philippines ký hợp đồng dịch vụ với Sterling Energy (nay là Energy Forum) đối với lô SC 72 tại bãi Cỏ Rong, khu vực cách Palawan 83 hải lý trong khi cách Hải Nam (Trung Quốc) đến 595 hải lý.
Cùng tháng đó, Trung Quốc gửi thư ngoại giao bày tỏ phản đối và khẳng định “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận”, đồng thời yêu cầu Philippines rút lại hợp đồng.
Đến tháng 5-2010, Trung Quốc tiếp tục gửi thư ngoại giao đòi Philippines rút lại hợp đồng dịch vụ đối với Sterling Energy.
Đại sứ Trung Quốc ve vãn
Phát biểu trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte, ngày 14-10, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho rằng hai nước vẫn có thể tiếp tục các mối quan hệ kinh tế dù vẫn còn bất đồng về chủ quyền.
Ông nói hai bên vẫn có thể làm việc với nhau, kể cả vấn đề bãi cạn Scarborough. Ông hy vọng một giải pháp có thể được tìm thấy và hai nước có thể “thiết lập một vùng biển hòa bình và hợp tác”.
Ông cho biết Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề hợp tác đánh bắt cá và đây là một cách để đáp ứng mối quan tâm của Tổng thống Duterte về ngư dân Philippines. Reuters ghi nhận vẫn chưa rõ hai nước sẽ đạt được đồng thuận thế nào khi Trung Quốc từ chối nói đến phán quyết của Tòa Trọng tài.
Đại sứ Triệu Giám Hoa tiết lộ sẽ có hơn một chục bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần tới của Tổng thống Duterte với dự báo vốn đầu tư Trung Quốc vào Philippines sẽ gia tăng kỷ lục. Ông nói Trung Quốc sẽ cấp nhiều khoản vay ưu đãi và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đảm trách thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Philippines.
Ông cho biết Trung Quốc có thể sẵn sàng đàm phán về nối lại các dự án hợp tác với Philippines khai thác khí đốt ở Philippines. Ông nói Trung Quốc ủng hộ xây dựng cơ sở thứ hai dành cho người cai nghiện ma túy vào năm tới ở Philippines. Dự án do một nhà tài trợ tư nhân Trung Quốc thực hiện.
Mỹ hy vọng Mỹ và Philippines có thể trao đổi giải quyết mọi khó khăn tồn tại. Ngày 14-10, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg tuyên bố như trên với báo chí bên lề một sự kiện do Quỹ Gia đình Zuellig hợp tác với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức tại Pasay. Ông khẳng định Mỹ thường xuyên duy trì quan hệ tốt với chính phủ và nhân dân Philippines và đó là điều Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay tuyên bố Mỹ đã ép Tổng thống Duterte phải lệ thuộc vào Mỹ, vì vậy cần giải thoát Philippines khỏi lệ thuộc vào yêu cầu và lợi ích của Mỹ. Ông khẳng định Mỹ đã thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt” với Philippines trong nhiều năm. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Philip Goldberg minh định quan hệ hai nước rất thành công và đôi bên cùng có lợi. |