Theo dòng thời sự

Nếu con sống sót…

Vụ việc người cha ném con gái năm tuổi xuống sông vì ghen tuông, trả thù vợ tiếp tục cứa thêm một nhát dao chí mạng vào trái tim của những người yêu thương con trẻ, vốn đang bị tổn thương tơi tả sau những tin dữ về bạo hành, bức hại trẻ em liên tiếp xảy ra trong vài tháng qua.

Nếu em bé bị dì ghẻ bức hại, em bé bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, em bé vừa bị người cha ruột ném xuống sông “may mắn’’ sống sót, khi lớn lên, các con sẽ nói gì? Các con sẽ tha thứ được cho những người đã được dung túng để bức hại mình? Và nếu người trực tiếp bạo hành, bức hại các con là chính phụ huynh, các con sẽ tha thứ được không?

Ở phía trên, tôi để từ may mắn trong ngoặc kép vì tôi không chắc lắm. Bởi nhiều đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực đã sống sót nhưng khi trưởng thành, họ đã dành cả phần đời còn lại để vật lộn với những tổn thương vô cùng sâu sắc. Có nhiều người đã vĩnh viễn không thể tự chữa lành trái tim mình. Cơ thể vẫn sống sót nhưng tâm hồn của họ đã bị bức hại vĩnh viễn.

Trong những fanpage, group của các em lứa tuổi thanh thiếu niên không thiếu những câu chuyện các em phải vật lộn với trầm cảm. Có em chia sẻ từng nung nấu ý định tự tử vì ám ảnh tuổi thơ bị ngược đãi. Những ngược đãi đó có thể không quá nghiêm trọng nhưng cũng có thể đã rất nghiêm trọng, chỉ là chúng ta chưa mường tượng hết tảng băng chìm mang tên bạo lực gia đình. Có rất nhiều vụ việc đã bị giấu giếm hoặc lãng quên, chỉ có nạn nhân là sống với ký ức đau buồn đó mãi.

Có những người đã trưởng thành, tưởng đã bước qua được những ký ức ám ảnh nhưng rốt cuộc họ vẫn bị mắc kẹt ở đó, bị giằng xé giữa việc tha thứ hay không, lựa chọn nào cũng đầy đau đớn.

Chúng ta sẽ phải bàn về việc hoàn thiện các thiết chế để bảo vệ trẻ em, điều này truyền thông và dư luận thời gian qua đã nỗ lực đấu tranh để dần đạt được mục tiêu này. Mỗi người lớn trưởng thành đều có trách nhiệm giám sát, xây dựng và đòi hỏi các cơ quan bảo vệ trẻ em có nhiều quyền lực hơn và có trách nhiệm lớn lao hơn. Việc người dân đã nhớ đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, hiệu quả ngăn ngừa các vụ bạo lực của chúng ta… chưa đủ lớn. Thường thì cơ quan chức năng chỉ xử lý khi đã có hậu quả xảy ra, nếu chưa có hậu quả xảy ra thì chỉ “giáo dục, răn đe” kẻ bạo hành bằng những biện pháp tạm thời, khả năng rất cao là một thời gian đâu sẽ lại vào đấy.

Nhưng ngay cả nước Mỹ hay nhiều quốc gia có tổng đài bảo vệ trẻ em cực kỳ hiệu quả thì vẫn có trẻ em bị bức hại bởi chính người thân của mình, hoặc người mà cha mẹ các em đang chung sống. Do đó, ngoài luật, chúng ta cần phải góp sức xây dựng văn hóa cộng đồng nhân văn hơn và tiến bộ hơn. Cộng đồng cần dần loại bỏ tư tưởng “lớn lên phải cưới - cưới xong phải đẻ - đẻ xong rồi tính”, trời sinh voi sinh cỏ. Cần ngừng việc gặp ai cũng thúc giục cưới đi rồi tính, đẻ đi rồi tính… Cứ như đẻ con là “nhiệm vụ bắt buộc”, bất kể đối tượng đó tâm tính có ổn định hay không, có yêu trẻ con hay không, có đủ trách nhiệm để làm cha, làm mẹ hay không. Trẻ con không có khả năng tự vệ, trẻ con rất dễ bị thao túng, rất dễ bị tước đoạt. Xin đừng trút giận xuống trẻ em!

Đưa một đứa trẻ đến cuộc sống này là một điều thiêng liêng đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Hãy khuyến khích những người trong gia đình của mình, trong cộng đồng của mình chỉ nên chọn trở thành cha mẹ khi đã thật sự trưởng thành, vững vàng và sẵn sàng.

Xã hội chúng ta có tính cộng đồng rất lớn, cần phải phát huy đặc tính này để để mắt tới bọn trẻ con của chúng ta nhiều hơn nữa, thay vì bao đồng đủ thứ chuyện nhưng lại bỏ mặc những đứa trẻ rúm ró trong bất ổn vì xem đó là chuyện riêng của mỗi nếp nhà. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm