'Nếu không làm vành đai 5, Bình Dương sẽ thành điểm nghẽn lớn'

(PLO)- Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nếu không đầu tư dự án vành đai 5 thì tỉnh Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn giao thông lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì.

Cần sớm làm vành đai 5

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề xuất TP.HCM nghiên cứu, đầu tư làm thêm đường vành đai 5 để tăng cường liên kết giao thông khu vực.

Ông Nguyễn Văn Dành cho biết: "Hiện nay Chính phủ đã quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường quốc lộ 13C.

Chính vì vậy, nếu TP không tính toán, đầu tư làm đường vành đai 5 từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn rất lớn vì các trục giao thông lớn sẽ đổ về Bình Dương. Cho nên, cần sớm triển khai, cập nhật quy hoạch đường vành đai 5".

vành đai 5
Sơ đồ các tuyến vành đai.

Bên cạnh đó, ông Dành cũng cho biết, TP.HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

Cùng với tốc độ phát triển đó, tỉnh Bình Dương đã và đang dần hoàn thiện hạ tầng giao thông, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến vành đai 4.

Theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương, TP.HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Dành cũng đề xuất quy hoạch tuyến metro kéo dài từ Suối Tiên đến Dĩ An, và từ Dĩ An có các nhánh về Biên Hòa và TP mới Bình Dương.

Tăng cường liên kết TP.HCM với các tỉnh lân cận

Cũng trong hội thảo, ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhận định rằng hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng chưa được liền mạch.

"Để đến TP.HCM dự cuộc họp lúc 8 giờ thì đoàn Tây Ninh phải chuẩn bị từ lúc 4 giờ để kịp di chuyển; quãng đường chỉ khoảng 100km nhưng tốn rất nhiều thời gian. Vì vậy, vấn đề quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng, giữa TP.HCM với Tây Ninh nói riêng là hết sức cấp thiết.

Tỉnh Tây Ninh đề nghị TP.HCM định hướng quy hoạch hạ tầng và giành nguồn lực tập trung để phát triển hành lang quan trọng như Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường Xuyên Á, các hạ tầng đường thủy, đường sắt đảm bảo đồng bộ" - ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu.

Cũng trong hội thảo, bà Phan Thị Kim Oanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Phước phát biểu: "Quy hoạch TP có vai trò, ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của vùng nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Tỉnh Bình Phước cũng xác định rằng việc kết nối hạ tầng tỉnh Bình Phước với các tỉnh trong vùng đặc biệt quan trọng. Vì vậy, tỉnh Bình Phước đề nghị TP.HCM cần quan tâm, bổ sung các tuyến quốc lộ 13b, 13c, 14c...".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm