Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30-6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái, đạt được chỉ tiêu mà Thủ tướng đã đề ra với ngành ngân hàng (Hết quý II-2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%).
Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 24-6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 4,5%, bằng 1/3 so với kế hoạch năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng quá mức có thể dẫn đến bong bóng tài sản
Nhìn nhận về thực tế này, ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, chuyên gia phân tích cấp cao Khối Xếp hạng và Nghiên cứu tại VIS Rating (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm) đánh giá, kể từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng tín dụng thường dao động ở mức 12-14%/năm. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% đặt ra cho năm 2024 là khá thách thức.
Trong năm 2024, VIS Rating kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu vay vốn từ nhóm ngành bất động sản, thương mại nội địa, chế biến chế tạo, trong khi vay tiêu dùng cá nhân sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2024.
Nhiều chính sách của Chính phủ để hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế như giảm thuế giá trị gia tăng, hoãn giãn nộp thuế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh và từ đó đẩy mạnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong nước.
Đại diện VIS Rating cho rằng, tín dụng nửa đầu năm 2024 đang trong xu hướng tăng khá tốt và việc đạt mục tiêu cả năm là khả thi.
Tuy nhiên, VIS Rating lưu ý về những rủi ro cho nền kinh tế nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng quá mức trong khi khả năng hấp thụ vốn một cách lành mạnh của nền kinh tế không đủ, sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi trong trung hạn. Chẳng hạn như dòng tiền sẽ chảy vào các tài sản mang tính đầu cơ chênh lệch giá gây ra bong bóng tài sản, rủi ro về lạm phát tăng trở lại hoặc tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng.
Lãi suất cho vay sẽ ít biến động
Gần đây xuất hiện không ít lo ngại về việc làn sóng tăng lãi suất huy động tiền gửi của hàng loạt các ngân hàng từ cuối tháng 4-2024 đến nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nửa sau năm 2024 và đẩy tăng lãi suất cho vay đầu ra.
Theo quan sát của VIS Rating, các ngân hàng quốc doanh có mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn và mạng lưới khách hàng rộng chưa bị cuốn vào cuộc đua lãi suất tiền gửi này. Vì thế nhìn chung việc tăng lãi suất huy động sẽ tác động chưa lớn tới lãi suất cho vay đầu ra của ngân hàng.
Trả lời PLO về triển vọng lãi suất cho vay đầu ra, ông Trương Minh Phương Duy - chuyên gia phân tích, trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, việc tăng lãi suất huy động không nhất thiết làm lãi suất cho vay tăng ngay lập tức với cùng biên độ như lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, do thời điểm tăng của lãi suất huy động bắt đầu từ tháng 5 và có thể tập trung nhiều hơn trong nửa cuối năm, cũng như cần có thời gian để các khoản tiền gửi cũ đáo hạn và chuyển sang mức lãi suất mới, chi phí vốn bình quân của ngân hàng trong năm 2024 sẽ không tăng mạnh như mức tăng tuyệt đối theo thời điểm của lãi suất huy động.
Lãi suất tín dụng không tăng nhanh tạo tiền đề cho tín dụng tăng trưởng tốt. Bà Phạm Liên Hà, giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán HSC kỳ vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn vào cuối năm nay với nhiều dự án mới mở bán, nhu cầu vay mua nhà cũng sẽ hồi phục theo đó.
Tính đến ngày 20-6-2024, lĩnh vực bất động sản tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 2,47 tỷ USD (tăng hơn 61% so với cùng kỳ), một chỉ báo khác cho thấy sự hồi phục sắp diễn ra. Dựa trên cơ sở đó, tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 theo tính toán của HSC ở mức khoảng 14%.
VIS Rating chia thành hai kịch bản lãi suất từ nay tới cuối năm và tác động đến Việt Nam: Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và Fed giữ nguyên lãi suất trong năm 2024.
Ở kịch bản Fed có cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2024, tác động sẽ mang tính tích cực chủ yếu về mặt tâm lý. Chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường co hẹp sẽ làm giảm hiện tượng găm giữ USD tại thị trường Việt Nam. Khi đó, đi kèm với một bức tranh về tình hình lạm phát ổn định hơn trong nửa cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để tiếp tục duy trì chính sách chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Với kịch bản còn lại, nếu Fed chưa hạ lãi suất trong năm 2024, khi đó áp lực VND tiếp tục mất giá so với USD sẽ tiếp tục diễn ra từ nay cho tới cuối năm 2024. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải dùng đến những biện pháp can thiệp mạnh hơn như tăng lãi suất điều hành, đẩy mạnh việc hút lượng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng thương mại hoặc thậm chí dùng các biện pháp hành chính để hạn chế hiện tượng đầu cơ găm giữ ngoại tệ.
Box thông tin:
Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (tên viết tắt là “VIS Rating”) được thành lập vào năm 2021 bởi Moody’s – một công ty xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới - và một số cổ đông khác tại Việt Nam, dựa trên sáng kiến từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam hướng tới việc tạo thuận lợi cho sự phát triển thị trường trái phiếu trong nước.