Ngày 13-3, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết tín dụng hai tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM giảm 0,92% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, tín dụng cùng kỳ năm 2023 giảm 0,11%; năm 2022 tăng 2,65% và năm 2021 tăng 0,57% so với năm liền kề trước đó.
Nguyên nhân tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong đó riêng tín dụng tháng 1 giảm mạnh tới 0,93% - gắn với tính chất thời vụ, thường biến động mạnh do các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn.
“Tuy nhiên, phân tích đánh giá hoạt động tín dụng trong mối liên hệ với môi trường kinh tế xã hội, tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, dù tín dụng trên địa bàn thành phố giảm mạnh vào tháng 1 nhưng sang tháng 2 tín dụng đã tăng trưởng dương và đây được xem là nền tảng để bắt đầu xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới” - ông Lệnh nói.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất tiếp tục là yếu tố nguồn lực tốt trong vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, chính sách lãi suất thấp và thị trường tiền tệ ổn định là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, lãi suất cho vay vẫn thấp, các tổ chức tín dụng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung đang tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế thành phố ghi nhận những chuyển biến tích cực trong hai tháng đầu năm nhờ các hoạt động du lịch thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, một số ngành lĩnh vực phục hồi với nhiều đơn đặt hàng dài hạn hơn…. Đây là những yếu tố có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã khẳng định: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng đối với những lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành hàng thiết yếu của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.