Người phát ngôn của Bộ ngoại giao Nga Alexander Lukashevich phát biểu: “Theo quan điểm của chúng tôi, Mỹ và các nước NATO nên từ bỏ các hành động đơn phương có thể gây nguy hại trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa để giảm sự lo lắng về những hậu quả xảy ra”.
Ý kiến của ông Lukashevich được đưa ra sau một phản ứng mạnh mẽ từ các quan chức châu Âu đối với quan điểm hòa bình của Đại sứ Nga tại Đan Mạch - Mikhail Vanin.
Tên lửa đạn đạo RT-2PM Topol của Nga tiến tới việc được triển khai lâu dài cùng với các lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội khu vực trung tâm
Trong bài báo được đăng tải trên tờ Jyllands-Posten tuần trước, ông Vanin cảnh báo rằng lực lượng hải quân Đan Mạch có thể trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa hạt nhân Nga nếu Copenhagen quyết gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu do Mỹ dẫn đầu.
Vào tháng 8-2014, các nhà lập pháp Đan Mạch đã phê duyệt việc đất nước này có thể đóng góp cho hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ít nhất một tàu khu trục nhỏ, được trang bị hệ thống radar mới.
Nga đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về dự án mà liên minh quân sự tuyên bố rằng mục tiêu chủ yếu là chống lại các mối đe dọa từ các quốc gia như Triều Tiên và Iran.