Nga cáo buộc Mỹ đẩy thế giới vào nguy hiểm

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-10 tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), cho rằng Nga liên tục vi phạm thỏa thuận này bằng việc phát triển tổ hợp tên lửa Novator 9M729 với tầm bắn tới 5.000 km. Phía Nga ngay lập tức đã có phản ứng gay gắt chống lại quyết định của Washington.

Một bước đi nguy hiểm

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov hôm qua (22-10) nói với báo chí rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm hơn, buộc Moscow phải hành động và tái thiết sự cân bằng. Vị này nhấn mạnh nếu thật sự Washington muốn quay lưng lại với hiệp ước rất quan trọng này, lệnh cấm sản xuất tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẽ được dỡ bỏ.

Ông Peskov cũng bác bỏ cáo buộc của Washington rằng Moscow vi phạm nội dung của hiệp ước. Quan trọng hơn, ông Peskov nói thêm Mỹ đã không tiến hành bất kỳ một bước đi chính thức nào trong việc rút khỏi Hiệp ước INF, bao gồm một thông báo chính thức về sự việc gây sốc này. “Việc hủy bỏ Hiệp ước INF có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa Mỹ không chỉ âm thầm mà nay đã công khai bắt đầu phát triển các hệ thống (tên lửa) trong tương lai” - ông Peskov phát biểu.

Hôm Chủ nhật (21-10), các nhà lập pháp quan trọng hàng đầu của Nga lên tiếng phản đối các đe dọa của Mỹ trong việc xóa bỏ Hiệp ước INF, gọi hành động của chính quyền Trump là “bắt nạt”. Phía Nga cho rằng rút khỏi INF đồng nghĩa với việc đẩy thế giới tiến gần hơn với một cuộc chiến tranh hạt nhân khiến lĩnh vực hạt nhân trở nên hỗn loạn. “Những hành động của ông Trump như đặt một quả bom khổng lồ trong quá trình giải trừ vũ khí (hạt nhân) trên phạm vi toàn cầu” - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga Leonid Slutsky nhận định.

Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov, cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga, cho rằng quyết định của ông Trump đã “giáng một đòn mạnh thứ hai vào sự ổn định chiến lược toàn cầu”, sau khi nước Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2001. “Washington một lần nữa lại là bên khơi mào cho sự tan vỡ của thỏa thuận kiểm soát vũ khí này” - ông Pushkov nhận định.

Hồi tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng tuyên bố việc Mỹ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ triển khai các bệ phóng tên lửa mặt đất tại châu Âu là hoạt động vi phạm trực tiếp Hiệp ước INF. Hai tháng sau đó, Nga tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cụ thể là Romania và sau đó là Ba Lan.

Quan hệ Mỹ-Nga ngày càng trở nên căng thẳng. Ảnh: AFP/GETTY

Lý lẽ của Washington

Tổng thống Trump cho rằng Nga đã vi phạm Hiệp ước INF trong thời gian dài trước khi ông chủ Nhà Trắng quyết định rút khỏi. “Tôi không hiểu sao Tổng thống Obama không đàm phán hoặc rút lui khỏi hiệp ước… Họ (Nga) đã vi phạm thỏa thuận này trong nhiều năm” - ông Trump nói. Lập luận của ông Trump nhắc lại việc chính quyền cựu Tổng thống Obama từng cáo buộc Nga vi phạm INF năm 2014 sau khi cáo buộc Nga đã thử tên lửa hành trình. Tuy nhiên, Mỹ thời gian đó đã không rút khỏi INF dưới sức ép của châu Âu.

Đầu năm nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định Hiệp ước INF “rất quan trọng với an ninh của châu Âu - Đại Tây Dương” và góp phần giảm nguy cơ xung đột. Dù Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần cáo buộc Nga liên tục vi phạm thỏa thuận quan trọng này, giới quan sát cho rằng châu Âu sẽ không đồng ý triển khai các tổ hợp tên lửa tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ của mình để đối phó Nga sau khi Hiệp ước INF không còn giá trị.

Ông Trump cuối tuần trước khẳng định Mỹ sẽ không để Nga tự do ngoài cuộc và sản xuất tên lửa - điều mà INF không cho phép. Washington cho rằng Nga đã phát triển một loại tên lửa tầm trung mới có tên Novator 9M729, được NATO biết đến với tên gọi SSC-8. Theo giới quan sát, nếu được phóng từ Moscow hoặc Kaliningrad, tên lửa 9M729 có tầm bắn bao phủ toàn bộ khu vực Tây Âu. Trong khi tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu tại khu vực bờ biển phía Tây nước Mỹ nếu phóng từ vùng cực Đông của Nga. Dù vậy, nhiều chuyên gia chưa rõ nếu quả thật Nga đang phát triển 9M729 thì mục tiêu chiến lược của Moscow là gì khi Nga sở hữu nhiều loại tên lửa khác có tầm bắn tương tự.

Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu cấm phổ biến vũ khí James Martin, cho rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là “một sai lầm nghiêm trọng”, vì khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, điều đó có lợi cho Nga.

Hiệp ước INF được lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết năm 1987 và có hiệu lực từ năm 1988, trong đó có quy định cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Đây được xem là cột mốc quan trọng chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang giai đoạn Chiến tranh lạnh.

_________________________

Căng thẳng Mỹ-Nga liên quan đến Hiệp ước INF dự kiến sẽ được đưa ra chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đến Nga trong thời gian tới.

(Theo RT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm