Tổng thống Donald Trump hôm 20-10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga với lý do nước này đã vi phạm thỏa thuận trên, song không đưa ra bằng chứng cụ thể cho nhận định của mình, CBS News đưa tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi mít tinh vận động tranh cử ở Elko, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: AP
Tuyên bố được đưa ra tại một buổi mít tinh vận động tranh cử của ông Trump tại Elko, bang Nevada, Mỹ.
"Mỹ đã duy trì và tôn trọng thỏa thuận nhưng đáng tiếc là Nga không làm điều tương tự. Họ đã vi phạm hiệp ước này và chế tạo vũ khí mới suốt nhiều năm qua, trong khi Washington không được phép làm vậy. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF" - AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giới quan sát cho biết ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi INF chỉ một ngày sau khi báo chí cho đăng tải thông tin cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang thúc ép ông làm điều đó. Các chuyên gia khuyến cáo động thái có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về kiểm soát vũ khí hạt nhân kể từ những năm 1980.
Cũng trong ngày 20-10, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã lên đường tới Nga, Azerbaijan, Armenia và Gruzia.
Trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Nga lo ngại Mỹ đang lặp lại kịch bản năm 2001 khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM). Ảnh: GETTY
Trước việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF, với lý do cáo buộc các vi phạm của Nga, các nhà lập pháp nước này đã kịch liệt lên án hành động trên.
"Quyết định rời khỏi Hiệp ước INF của Tổng thống Mỹ Donald Trump không gây ngạc nhiên cho chúng tôi nhưng chúng tôi hy vọng rằng ý thức chung sẽ chiếm ưu thế. Rõ ràng là Mỹ không có bằng chứng chứng minh việc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước” - ông Frants Klintsevich, một thành viên của Ủy ban Quốc phòng Nga, nói với tờ Sputnik.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (ngồi, phải) ký Hiệp định INF tại Helsinki (Phần Lan) năm 1987. Ảnh: WIKIPEADIA
Nhà lập pháp cũng chỉ ra rằng quyết định của ông Trump rời khỏi Hiệp ước INF không phù hợp với lợi ích của các đồng minh châu Âu.
"Mỹ muốn kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang nhưng họ sẽ không thành công" - ông Frants Klintsevich nói thêm.
Ngày 20-10, các hãng thông tấn nhà nước của Nga dẫn lời một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga được thúc đẩy từ giấc mơ về một siêu cường quốc toàn cầu duy nhất.
Nguồn tin Bộ Ngoại giao nói với hãng thông tấn RIA Novosti: "Động cơ chính là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Liệu điều này có thành sự thực? Không bao giờ".
"Washington đã tiếp cận bước đi này trong lộ trình nhiều năm bằng cách cố ý và từng bước phá hủy nền tảng của thỏa thuận. Quyết định này là một phần đường lối chính sách của Mỹ nhằm rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Và Nga đã nhiều lần lên án một cách công khai đường lối chính sách của Mỹ hướng tới việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân" - quan chức ngoại giao này cho biết.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter rằng động thái này "giáng một đòn mạnh thứ hai chống lại toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới", với đòn mạnh đầu tiên là vào năm 2001 khi Washington rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).
"Một lần nữa, kẻ khởi xướng hủy bỏ thỏa thuận lại là Mỹ" - ông Pushkov bình luận.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô khi đó - ông Mikhail Gorbachev vào năm 1987 đã thống nhất loại bỏ tàng trữ và sản xuất tên lửa hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu.