Nga-Mỹ căng thẳng chạy đua tàu ngầm
Theo Tổng tư lệnh Hải quân Mỹ tại châu Âu, Đô đốc Mark Ferguson, trong năm 2015, Nga đã tăng cường số cuộc tuần tra tàu ngầm lên gần một nửa. Nhịp độ này kể từ đó đến nay vẫn chưa hề suy giảm.
Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất cho thấy ông Putin đã hướng sự quan tâm vào chiến tranh tàu ngầm. Chính phủ Nga đã chi hàng tỉ đôla để nghiên cứu và đóng thêm các lớp tàu ngầm mới chạy diesel và năng lượng hạt nhân, tăng cường đáng kể khả năng của hạm đội tàu ngầm nước này so với trước.
Có thể thấy các động thái chạy đua giữa Nga và Mỹ hiện nay đang tương tự như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nga không chỉ đang trải quân ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương mà còn ở Syria và Ukraine.
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng Nga đang xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tăng cường khả năng chiến tranh mạng nhằm chứng tỏ sự hiện diện của mình sau nhiều năm tụt hậu kinh tế và thoái lui khỏi bàn cờ thế giới.
Theo đó, việc Nga tăng cường tuần tra tàu ngầm là một thách thức đối với cả Mỹ và NATO. Mặt khác, Lầu Năm Góc hoàn toàn có thể mượn cớ này để tăng cường kinh phí đóng tàu ngầm và chiến tranh chống ngầm.
Theo Hải quân Mỹ, trong ngắn hạn, nước này sẽ cần thêm nhiều tàu thuyền và thiết bị để theo dõi lực lượng tàu ngầm đang phình to của Nga. Còn trong dài hạn, Bộ Quốc phòng đã xin thêm 8,1 tỉ USD để tăng cường “khả năng dưới mặt biển”, bao gồm chín tàu ngầm tấn công lớp Virginia, tức gấp ba lần số lượng hiện nay.
"Chúng ta đang trở lại thời kỳ các cường quốc cạnh tranh nhau" - Đô đốc John M. Richardson, Giám đốc hoạt động hải quân, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Chương trình hiện đại hóa quân đội của ông Putin cũng bao gồm các tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cùng nhiều máy bay, xe tăng và các hệ thống phòng không.
Nga hiện có khoảng 45 tàu ngầm tấn công - trong đó khoảng 20 tàu ngầm hạt nhân và 20 tàu chạy động cơ diesel - dùng để diệt ngầm hoặc các loại tàu bề mặt, thu thập thông tin tình báo và tuần tra.
Tuy vậy, các chuyên gia phương Tây cho rằng chỉ một nửa trong số đó có thể được triển khai bất cứ lúc nào. Hầu hết phải bảo vệ sân nhà và duy trì nhịp độ hoạt động thấp hơn đỉnh điểm trong thời Chiến tranh lạnh.
Mỹ hiện có 53 tàu ngầm tấn công, tất cả đều là tàu ngầm hạt nhân. Ngoài ra còn có bốn tàu ngầm hạt nhân khác mang theo tên lửa hành trình và có lực lượng đặc nhiệm túc trực trên boong.
Tại bất kỳ thời điểm nào, gần một phần ba tàu ngầm của Mỹ hoặc đang ở biển hoặc tuần tra hoặc luyện tập, trong khi số khác được bảo trì thường xuyên.
Giới Hải quân Mỹ thường cho rằng tàu ngầm Mỹ vốn có ưu thế về tốc độ, độ bền và khả năng tàng hình nên có thể triển khai xa sân nhà hơn, do đó vượt trội hơn tàu ngầm Nga-Xô.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang phát triển công nghệ mới theo dõi các đoạn thông tin mã hóa từ tàu ngầm Nga. Nhiều nước NATO như Anh, Đức và Na Uy cũng đang xem xét mua thêm tàu ngầm trong trường hợp Kremlin gây hấn ở biển Baltic hoặc Bắc Băng Dương.
Trường hợp này hoàn toàn có thể xảy ra khi các tàu thuyền quân sự của Nga thường hoạt động ở gần các đường cáp Internet và có thể tấn công các đường cáp này bất cứ lúc nào nếu có xung đột hoặc căng thẳng.
James G. Stavridis, cựu Tổng tư lệnh lực lượng đồng minh của NATO, hiện là hiệu trưởng của khoa Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts cho biết.
Mỹ cảnh báo Nga cũng đang chế tạo một tàu ngầm không người lái có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược để tấn công các cảng và khu vực bờ biển.
Giống như Mỹ, Nga còn giấu một con bài là các tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn mang tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu này không thực hiện nhiệm vụ tuần tra mà thường lẩn khuất sâu dưới đáy đại dương trong nhiều tháng.
"Trong cơ cấu hải quân Nga, tàu ngầm là viên ngọc quý của hải quân" -Magnus Nordenman, Giám đốc sáng kiến an ninh xuyên Đại Tây Dương thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, phát biểu.
Gần đây Mỹ và NATO đã không tập trung cho các chiến dịch chống ngầm và họ đã khiến kỹ năng này thâm hụt đi. Nắm lấy cơ hội, Nga đã nhanh chóng phát triển lực lượng tàu ngầm nhằm nỗ lực không bị kìm kẹp giữa các nước phương Tây.
Phương Tây: Đang quay về thời kỳ Chiến tranh lạnh
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ đã đưa máy bay chống hạm ra Iceland nhằm ngăn chặn tàu ngầm Liên Xô di chuyển vào Đại Tây Dương thông qua eo biển giữa Iceland, Greenland và Anh. Sau năm 1991, chỉ còn các máy bay chống hạm P-3 luân phiên tuần tra tại căn cứ này.
Giờ đây, Hải quân Mỹ sẵn sàng chi ra 20 triệu USD để cải tổ lại căn cứ trên, đồng thời đưa máy bay P-8A Poseidon đi tuần tra biển.
Đây là một phần trong sáng kiến triển khai thiết bị, vũ khí cho các nước Trung và Đông Âu nhằm ngăn chặn đà tiến công của Nga.
Mỹ cũng thiết lập hệ thống theo dõi tương tự tại vùng biển Địa Trung Hải và biển Đen. Tại đây, Nga đã có một cổng vào thông qua cảng Tartus, Nga. Mỹ lo ngại Nga sẽ muốn lập thêm nhiều cảng mới, có thể ở Cyprú, ở Ai Cập hoặc thậm chí là ở Libya.
Trong tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông qua một mẫu máy dò tìm tàu ngầm và mìn có khả năng tự hoạt động dưới biển trong vòng ba tháng.
Bên cạnh đó, các nước đồng minh còn tập trận chung với nhau nhằm nâng cao năng lực chống ngầm cho hải quân. Cuối mùa xuân này, hạm đội các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Hoa Kỳ sẽ tham gia cuộc tập trận mang tên Dynamic Mongoose tại Biển Bắc.
"Không hẳn là chúng ta đang quay lại thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng tôi chắc chắn có thể thấy một thời kỳ như vậy vào lúc này” - James G. Stavridis, cựu Tổng tư lệnh lực lượng đồng minh của NATO, hiện là hiệu trưởng của khoa Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts, cho biết.