Nga đã 'phi quân sự hóa' Ukraine, xung đột liệu sắp kết thúc?

(PLO)- Liệu xung đột Nga-Ukraine sắp kết thúc, khi Nga tuyên bố đã “phi quân sự hóa” Ukraine - một trong những mục tiêu mà ông Putin đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột Nga-Ukraine có diễn biến mới đáng chú ý. Điện Kremlin ngày 18-6 tuyên bố đã đạt được mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine, khi trên thực tế Kiev giờ phụ thuộc phần lớn vào vũ khí do phương Tây cung cấp, đài RT cho biết.

Cụ thể, theo người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov, “Ukraine đã ở mức quân sự hóa cao độ khi (xung đột) bùng nổ”, và bây giờ mục tiêu này (phi quân sự hóa) đã đạt được”. Phía Nga nhận thấy rằng Ukraine "ngày càng ít sử dụng vũ khí của mình" và dần dần chuyển sang sử dụng vũ khí do các thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp.

Phần lớn kho vũ khí Ukraine trước xung đột là các hệ thống vũ khí thời Liên Xô và các phiên bản nâng cấp của chúng. Thời gian gần đây các nước phương Tây gửi cho Ukraine thiết bị quân sự hiện đại, như xe tăng hạng nặng, tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, máy bay không người lái, bệ phóng tên lửa, các loại đạn pháo - Đài RT

Tuyên bố từ phía Nga dẫn tới băn khoăn liệu xung đột Nga-Ukraine sắp kết thúc, khi theo lời ông Peskov thì “phi quân sự hóa” Ukraine là một trong những mục tiêu mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2-2022.

Chiến trường vẫn căng

Ngoài tuyên bố trên thì phía Nga chưa phát thêm tín hiệu gì liệu sẽ kết thúc chiến dịch. Trên chiến trường những ngày gần đây, xung đột Nga-Ukraine vẫn rất ác liệt. Chiến dịch phản công của Ukraine bước vào tuần thứ ba, giao tranh có xu hướng chuyển hướng dần từ phía đông về phía nam.

Ngày 18-6, chiến sự vẫn diễn ra nguy hiểm ở các TP Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka (tỉnh Donetsk, vùng Donbass, đông Ukraine) với hàng chục đợt giao tranh từ các bên. Nhiều dân thường bị thương.

Lính Ukraine bắn súng phóng lựu tại một khu vực tiền tuyến gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, đông Ukraine. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Lính Ukraine bắn súng phóng lựu tại một khu vực tiền tuyến gần Bakhmut, tỉnh Donetsk, đông Ukraine. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Tuy nhiên theo Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky, mặt trận khốc liệt nhất là ở nam Ukraine. Tổng cộng trong ngày 18-6 có hơn trăm cuộc tấn công ở các tỉnh Sumy, Kharkiv, Zaporizhia.

Ukraine ghi nhận sự thay đổi của quân Nga ở mặt trận phía nam. Ngày 18-6 ông Ivan Fedorov - thị trưởng TP Melitopol (tỉnh Zaporizhia) dẫn thông tin từ dân địa phương rằng họ quan sát thấy phía Nga đang triển khai lại quân đội và khí tài từ phía nam tỉnh Kherson đến phía đông nam tỉnh Zaporizhia.

Bộ Quốc phòng Nga cũng ghi nhận lực lượng Ukraine ngày 18-6 đẩy mạnh tấn công không chỉ ở hướng Donetsk mà cả Zaporizhia, theo hãng thông tấn TASS.

Phía Nga cũng ghi nhận một số cuộc tấn công mà Nga cho là do Ukraine thực hiện vào lãnh thổ Nga. Trên Telegram, Tỉnh trưởng tỉnh Belgorod (Nga) - ông Vyacheslav Gladkov cho biết các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào khu vực biên giới, sử dụng máy bay không người lái (UAV) thả chất nổ vào tỉnh này.

Tỉnh trưởng tỉnh Kursh (Nga) - ông Roman Starovoy cũng cho biết có nhiều cuộc tấn công mà phía Nga cho là do quân Ukraine thực hiện nhằm vào ba khu định cư của tỉnh này, khiến nhiều công trình, nhà cửa bị hư hại.

Theo RT, Ukraine đã phát động chiến dịch phản công từ đầu tháng này nhưng cho đến nay chẳng những không đạt được bất kỳ kết quả có ý nghĩa nào mà còn chịu tổn thất nặng nề.

Phía Nga cho biết đã vô hiệu hóa hơn 7.500 binh sĩ Ukraine (chết hoặc bị thương) trong ba tuần phản công. Theo số liệu mới nhất ông Putin công bố, Ukraine đã mất gần 200 xe tăng (trong đó có Leopard 2 do Đức sản xuất) và hơn 400 phương tiện bọc thép (Bradley do Mỹ sản xuất) trong cuộc phản công.

Ngoại giao vẫn bế tắc

Nỗ lực hòa giải của phái đoàn sáu nước châu Phi (Comoros, Senegal, Nam Phi, Zambia, Ai Cập, CH Congo và Uganda) cuối tuần rồi đã không mang lại kết quả. Sáu lãnh đạo châu Phi mang đến Ukraine và Nga một lộ trình hòa bình 10 điểm, phác thảo khá rộng các bước cần thiết để chấm dứt tình trạng thù địch giữa Moscow và Kiev.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tiếp lãnh đạo 6 nước châu Phi tại Kiev ngày 16-6. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tiếp lãnh đạo 6 nước châu Phi tại Kiev ngày 16-6. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE

Theo hãng thông tấn TASS, 10 điểm này gồm: (1) kêu gọi lắng nghe lập trường của cả Nga và Ukraine; (2) bắt đầu giảm leo thang ở hai bên; (3) bảo đảm chủ quyền của các quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên Hợp Quốc; (4) đạt được sự đảm bảo về an ninh cho tất cả các quốc gia; (5) bảo đảm vận chuyển ngũ cốc và phân bón của hai nước; (6) viện trợ nhân đạo; (7) giải quyết vấn đề trao đổi tù nhân; (8) hồi hương trẻ em; (9) tái thiết sau chiến tranh và viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; (10) hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi.

Tiếp sáu lãnh đạo châu Phi tại Kiev ngày 16-6, Tổng thống Zelensky đưa ra quan điểm rằng đối thoại hòa bình chỉ có thể diễn ra một khi Nga rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng. Dù không thống nhất với đề xuất, ông Zelensky đề nghị các lãnh đạo châu Phi chuyển đến ông Putin yêu cầu thả tù nhân chính trị ở bán đảo Crimea.

Trong cuộc gặp, ông Zelensky bày tỏ không lạc quan về kết quả chuyến đi của phái đoàn châu Phi sang Nga.

Toàn cảnh buổi tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo châu Phi tại St. Petersburg (Nga) ngày 17-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Toàn cảnh buổi tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo châu Phi tại St. Petersburg (Nga) ngày 17-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Như dự đoán của ông Zelensky, tiếp sáu lãnh đạo châu Phi tại Nga ngày 17-6, ông Putin bác gần hết đề xuất lộ trình hòa bình 10 điểm trên. Ông Putin giải thích về lập trường của Nga để thấy rằng nhiều điểm trong đề xuất của châu Phi là sai lầm.

Ông Putin cáo buộc rằng Ukraine và các đồng minh phương Tây đã bắt đầu cuộc xung đột từ lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2-2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) trong buổi tiếp các lãnh đạo châu Phi tại St. Petersburg (Nga) ngày 17-6. Ảnh: RIA NOVOSTI/REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) trong buổi tiếp các lãnh đạo châu Phi tại St. Petersburg (Nga) ngày 17-6. Ảnh: RIA NOVOSTI/REUTERS

Theo ông Putin, Ukraine là bên rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga dù hai bên đã có một thỏa thuận hòa bình sơ bộ tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 3-2022. Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Kiev, sẵn sàng đối thoại với tất cả những ai “tìm kiếm hòa bình dựa trên các nguyên tắc công lý và tôn trọng lợi ích hợp pháp của các bên”. Nga có quyền công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, theo ông Putin.

EU tuyên bố đẩy nhanh gửi vũ khí cho Ukraine

Trao đổi với nhật báo Le Parisien (Pháp) cuối tuần rồi, Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ Thierry Breton cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. EU sẽ tăng cường sản xuất để thực hiện cam kết cung cấp một triệu quả đạn cỡ nòng cao cho Ukraine trong 12 tháng tới.

Khi được hỏi liệu viện trợ quân sự trong tương lai cho Ukraine có phụ thuộc vào sự thành công của chiến dịch phản công của nước này hay không, ông Breton khẳng định sự hỗ trợ của EU là không có điều kiện và khối sẽ duy trì hỗ trợ Kiev trong thời gian cần thiết.

Ngày 18-6 ông Peskov cảnh báo rằng với việc viện trợ quân sự cho Ukraine đã khiến các nước phương Tây trở thành “các bên trong cuộc xung đột”, làm cho tình hình ở châu Âu “căng thẳng và khó lường hơn”. Chính hành động của phương Tây đã buộc Nga phải có “các biện pháp quyết đoán hơn để đảm bảo an toàn cho người dân ở Donbass và sự an toàn của Liên bang Nga”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm