Đài RT ngày 3-11 đưa tin Bộ Ngoại giao Nga đã đổi tên “Vụ Hợp tác châu Âu” thành “Vụ Các vấn đề châu Âu” và cập nhật lên trang web chính thức của bộ này.
Tuy nhiên, phải tới cuối tuần rồi, giới truyền thông Nga mới phát hiện ra sự thay đổi này.
Theo mô tả của Bộ Ngoại giao Nga, Vụ Các vấn đề châu Âu sẽ chịu trách nhiệm liên quan “các vấn đề của các tổ chức quốc tế ở châu Âu” như Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO),…
Cho tới ngày 4-11, Bộ Ngoại giao Nga chỉ mới đổi tên gọi tiếng Nga của vụ trên. Trên tất cả các phiên bản tiếng nước ngoài, tên gọi “Vụ Hợp tác châu Âu” vẫn được sử dụng.
Bên cạnh Vụ Các vấn đề châu Âu, Bộ Ngoại giao Nga còn tổ chức 4 đơn vị chuyên trách quan hệ với các quốc gia châu Âu phân chia theo khu vực địa lý.
Từ năm 2014, sau sự kiện Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, mối quan hệ giữa Nga với các tổ chức quốc tế của châu Âu đã căng thẳng kéo dài.
Việc Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2-2022 càng làm rạn nứt Nga-phương Tây thêm trầm trọng. Hội đồng châu Âu đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga.
Hồi tháng 8, Nga chỉ trích rằng OSCE – tổ chức mà Nga là một thành viên – đang trong “tình trạng khủng hoảng” do các quốc gia thành viên không thể tìm được tiếng nói chung về những vấn đề cơ bản nhất.
Nga tuyên bố EU và nhiều thành viên của liên minh là các quốc gia (nhóm quốc gia) “không thân thiện” và coi NATO là khối quân sự thù địch.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đổ lỗi rằng việc quan hệ Nga-EU “đang ở mức thấp nhất” là do lỗi của chính EU. Ông lưu ý rằng Moscow chỉ sẵn sàng nối lại hợp tác với các nước châu Âu khác trên cơ sở bình đẳng và tính tới lợi ích của Nga.