Ngày 17-10 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Iran, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran (Iran và nhóm P5+1 ký kết giữa tháng 7) đã mở ra cánh cửa cho nỗ lực ngoại giao nhiều hơn nhằm giải quyết xung đột ở Trung Đông.
Ông nhắc đến các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Iraq và cho biết Đức mong muốn Iran tác động đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad để chấm dứt chiến tranh ở Syria.
Ông nhìn nhận có nhiều nghi vấn về ý đồ của Iran trong khu vực và mong muốn Iran phản hồi một cách xây dựng dù Iran đánh giá các nghi vấn đó là bất công và vô căn cứ.
Ông nhấn mạnh Iran cần giữ vai trò xây dựng trong cộng đồng quốc tế cũng như đối với các nước láng giềng trong khu vực.
Sau hội đàm với ngoại trưởng Đức, tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định về tình hình Syria: “Có nhiều giải pháp chúng ta có thể nhất trí”.
Ông yêu cầu “sự can thiệp của nước ngoài nhằm giải quyết xung đột chứ không phải áp đặt quan điểm riêng cho nhân dân Syria”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier yết kiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP
Ông nhấn mạnh: “Iran không tìm cách loại trừ Saudi Arabia nhưng cũng không cho phép Saudi Arabia loại trừ Iran… Nỗ lực của nước này nhằm loại trừ Iran đã gây ra tắm máu, kích động đối đầu và điều này cần phải chấm dứt”.
Iran đã ủng hộ Syria về tài chính và quân sự đồng thời lên án các nước phương Tây, các nước Ả Rập quân chủ vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy chống chính phủ ở Syria.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier là chuyến thăm Iran đầu tiên của một ngoại trưởng Đức từ 12 năm nay.
Với quan điểm giải pháp hòa bình không phụ thuộc vào một tác nhân duy nhất trong khu vực, ngày 18-10, ngoại trưởng Đức tiếp tục đến Saudi Arabia, đối thủ của Iran.
Cùng ngày 17-10, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian tuyên bố Iran sẽ tăng cường sự hiện diện của các cố vấn quân sự ở Syria để giúp Syria chống khủng bố.
Ông cho biết: “Iran có cố vấn quân sự ở Iraq và Syria theo yêu cầu của chính phủ hai nước này”. Ông khẳng định Iran không đưa quân trực tiếp chiến đấu ở Syria.
Trong khi đó tại Nga, hãng tin Sputnik đưa tin hôm 17-10, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossia-1, Thủ tướng Dmitry Medvedev nói: Trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Nga không bảo vệ nhà lãnh đạo cụ thể nào mà bảo vệ lợi ích quốc gia Nga.
Ông cho rằng lời lên án Nga bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad hơn bảo vệ lợi ích Nga là hoàn toàn sai lệch. Ông khẳng định chính nhân dân Syria quyết định ai lãnh đạo đất nước Syria.
Ông khẳng định Tổng thống Assad hiện thời vẫn là tổng thống hợp pháp ở Syria.
Ông nhắc lại quan điểm Tổng thống Putin đã nói: Một là nếu không tiêu diệt khủng bố ở Syria thì chúng sẽ đến Nga hành động, hai là chính quyền hợp pháp ở Syria đã yêu cầu Nga giúp tiêu diệt khủng bố.
- Ngày 17-10, Cuba đã cực lực phản đối thông tin Cuba đưa quân ủng hộ Syria. Trước đó, Viện nghiên cứu Cuba và Mỹ-Cuba thuộc ĐH Miami (Mỹ) đưa tin Cuba điều quân và xe tăng đến Syria. Sau đó kênh truyền hình Fox News còn nói một quan chức Mỹ khẳng định điều đó. - Trước đó, ngày 14-10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã bác bỏ thông tin ngụy tạo cho rằng quân đội Trung Quốc đã điều tàu sân bay Liêu Ninh sang Syria giúp Nga. Bộ Ngoại giao cho biết tàu sân bay Liêu Ninh hiện chỉ được dùng để nghiên cứu, thí nghiệm khoa học và huấn luyện. 200 người tập trung tại một công viên nhỏ ở Moscow hôm 17-10 để biểu tình phản đối Nga can thiệp quân sự ở Syria theo lời kêu gọi của đảng Solidarnost (đối lập). Hầu hết là những người từ 50 tuổi trở lên. Họ e ngại Nga rơi vào tình cảnh như lúc đưa quân sang Afghanistan (1979-1989). |