Trong thông cáo cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này giám sát rất chặt chẽ việc thực thi các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an (HĐBA) liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng
“Nga giám sát rất đầy đủ và nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt. Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở rằng việc cung cấp nhiên liệu (các sản phẩm dầu tinh luyện) được đặt ra định mức chứ không cấm hoàn toàn” - Bộ Ngoại giao Nga đề cập đến Nghị quyết số 2397 của HĐBA thông qua vào tháng qua, hãng thông tấn Nga Itar Tass ngày 31-12-2017 cho biết.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi hãng tin Reuters tuần qua đăng tải thông tin cho rằng tàu chở dầu của Nga trong vài tháng qua đã ít nhất ba lần chuyển dầu tinh luyện cho tàu của Triều Tiên. Hãng Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên, được cho là thuộc cơ quan chính phủ các nước châu Âu, cho rằng các vụ chuyển nhiên liệu vi phạm nghị quyết HĐBA diễn ra vào tháng 10 và tháng 11-2017. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga không phủ nhận liệu tàu dầu Nga có chuyển nhiên liệu cho tàu Triều Tiên thời gian qua hay không, tờ The Guardian cho biết.
Theo hãng tin Reuters, một trong các tàu có chuyển dầu tinh luyện cho tàu Triều Tiên là tàu Vityaz mang cờ Nga. Tuy nhiên, trả lời hãng tin Reuters, ông Yaroslav Guk, Phó Giám đốc Công ty Alisa - chủ quản của tàu Vityaz, một mực phủ nhận có liên hệ với tàu Triều Tiên. “Không bao giờ có chuyện đó. Hành động như vậy vô cùng nguy hiểm. Chuyện này thật điên rồ” - hãng tin Reuters dẫn lại phản hồi của ông Guk.
Tàu chở dầu Lighthouse Winmore mang cờ Hong Kong bị cơ quan chức năng Hàn Quốc bắt giữ vì nghi chuyển dầu cho tàu Triều Tiên. Ảnh: AFP
Thêm tàu bị Hàn Quốc tạm giữ
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều thông tin ghi nhận việc tàu hàng các nước chuyển sản phẩm dầu tinh luyện cho tàu của Triều Tiên. Hãng tin Yonhap ngày 31-12-2017 cho biết Hàn Quốc vừa bắt giữ và khám xét thêm một tàu nghi tuồn dầu cho Triều Tiên. Tàu hàng 5.100 tấn mang cờ Panama, có tên hiệu là KOTI, bị bắt giữ tại cảng Pyeongtaek-Dangjin, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Các quan chức an ninh và hải quan Hàn Quốc đã mở cuộc họp khẩn vào ngày 21-12 vừa qua, sau đó quyết định không cho tàu KOTI rời cảng, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ với Yonhap. Đây là tàu hàng thứ hai bị phía Hàn Quốc bắt giữ và khám xét vì nghi ngờ tuồn dầu tinh luyện cho Triều Tiên, vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Cũng trong cuối tháng 12-2017, Hàn Quốc đã bắt giữ một tàu mang cờ Hong Kong với cáo buộc tương tự.
Trung Quốc phản pháo cáo buộc Ngày 28-12-2017, đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc (TQ) đã bị “bắt quả tang” cho phép cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên. Phía Hàn Quốc cũng đưa ra cáo buộc tương tự sau khi bắt giữ một tàu mang cờ Hong Kong nghi chuyển dầu cho tàu Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh ngày 29-12-2017 phản pháo, khẳng định Bắc Kinh không bao giờ cho phép các công ty của nước này hoạt động vi phạm nghị quyết của HĐBA. “Những gì được mô tả trong các báo cáo này là sai sự thật. Những thông tin phóng đại này không giúp xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và hỗ trợ sự hợp tác giữa các bên trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” - bà Hoa cho biết. _______________________ Nghị quyết trừng phạt số 2375 của HĐBA Liên Hiệp Quốc, thông qua vào tháng 9 -2017, đã cấm tàu thuyền của các quốc gia thành viên có hoạt động chuyển hàng hóa sang tàu thuyền của Triều Tiên. Nghị quyết số 2397 cho phép một nước được bắt giữ và điều tra tàu hàng nào tình nghi có hoạt động trái phép liên quan đến Triều Tiên. |