Tổng thống Nga Vladimir Putin đang quay sang Đông Á để phá thế cô lập về ngoại giao và tìm kiếm thêm thị trường mới nhằm vực dậy kinh tế Nga đang khó khăn do cấm vận phương Tây và giá dầu giảm.
Hải quân Nga và Trung Quốc tham gia cuộc tập trận “Phối hợp hàng hải 2016” tại Trạm Giang (Quảng Đông). Ảnh: AP
Các đồng minh Mỹ sẽ chơi với Nga
Báo Japan Times ngày 17-9 đưa tin nhận định trên được nêu trong báo cáo mới công bố của Cơ quan Khảo cứu Quốc hội (trực thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ).
Báo cáo ghi nhận Tổng thống Putin đang tìm kiếm các đối tác mới ở Đông Á trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên nặng nề sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014 và chiến sự bùng nổ ở miền Đông Ukraine.
Báo cáo nhận định: Hoạt động gia tăng của Nga ở Đông Bắc Á có thể tạo thách thức giữa Mỹ và các đồng minh Nhật, Hàn Quốc nếu các nhà lãnh đạo của hai nước đồng minh này lại xích lại gần Nga.
Báo cáo cho biết Tổng thống Putin đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hơn chục lần.
Mục đích các cuộc gặp nhằm tìm cách cải thiện quan hệ song phương và giải quyết vấn đề tranh chấp liên quan đến bốn hòn đảo của Nhật đã bị quân đội Xô Viết chiếm đóng vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai (Nga gọi là quần đảo Kuril, còn Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc).
Báo cáo đánh giá: “Dù quan hệ an ninh Mỹ-Nhật ngày càng gắn kết, ông Abe vẫn tiếp tục đáp ứng thái độ cởi mở của ông Putin, đồng thời tìm cách giữ quan hệ cân bằng với Trung Quốc. Sự hiện diện về kinh tế và địa-chính trị rộng rãi của Trung Quốc đã trở thành mối quan ngại chiến lược chủ yếu của Tokyo và Moscow”.
Theo báo cáo, hoạt động của Nga nhằm tiếp tục cải thiện quan hệ với các nước Đông Á sẽ dẫn đến phức tạp và trở thành tác nhân gây bất ổn cho chính sách tái cân bằng an ninh của Mỹ và các lợi ích kinh tế của Mỹ trong khu vực.
Báo cáo bày tỏ lo ngại chính sách của Nga đối với Đông Á có thể triệt tiêu hiệu quả lệnh cấm vận đối với Nga.
Nga-Trung thắt chặt quan hệ hàng hải
Ngoài ra, báo cáo của Cơ quan Khảo cứu Quốc hội Mỹ cũng ghi nhận Tổng thống Putin đang tìm cách củng cố quan hệ hàng hải với Trung Quốc. Bằng chứng là ngày 12-9, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển tỉnh Quảng Đông (biển Đông) trong tám ngày.
Các nhà quan sát và các nhà quyết định về hàng hải đều lo ngại mối quan hệ hữu hảo về hàng hải giữa hai cường quốc hàng hải ở châu Á ngày càng gia tăng bởi mối quan hệ này có thể tác động đến cân bằng quyền lực ở châu Á.
Ngày 16-9, chuyên gia Abhijit Singh thuộc Quỹ nghiên cứu cho quan sát viên tại New Delhi (Ấn Độ) đã viết trên tạp chí The Strategist (Viện Chính sách chiến lược Úc): “Hợp sức hàng hải... đã phản ánh mối tương tác lâu dài giữa địa-chính trị và chiến lược hàng hải. Quan hệ hàng hải Nga-Trung được động viên bằng các động cơ chính trị và ý muốn phối hợp ngăn chặn sức ép về quân sự của Mỹ”.
Ông ghi nhận Nga và Trung Quốc đều cho rằng Mỹ là tác nhân chính gây bất ổn về địa-chính trị trong khu vực, đồng thời Mỹ vẫn rắp tâm ngăn chặn có hệ thống đối với Moscow và Bắc Kinh. Khi hợp tác tập trận, hai nước hy vọng sẽ cảnh báo Mỹ rằng ưu thế về hàng hải của Mỹ ở châu Á đã kết thúc.
Nga-Trung dựa vào nhau chống Mỹ
Theo phân tích của chuyên gia Abhijit Singh, giữa Nga và Trung Quốc có mối quan tâm về chính trị khác nhau.
Nga quan tâm đến hành động xâm lấn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông Nga và gây thiệt hại tại Trung Á do ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin ngày càng nhìn ra tham vọng của Trung Quốc trong khu vực ảnh hưởng của Nga.
Dù vậy để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng của Nga ra ngoài châu Âu, ông Putin mặc nhiên thừa nhận mối quan hệ bất đối xứng với Trung Quốc bằng cách thỏa thuận tiêu chuẩn đồng minh đặc biệt với Bắc Kinh để Bắc kinh có thể khai thác lợi ích nhiều nhất.
Theo chuyên gia Abhijit Singh, Nga tự tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc Nga về công nghệ quốc phòng.
Từ tháng 12-1992, thời điểm hai nước ký hiệp định hợp tác công nghệ quân sự, Trung Quốc đã mua thiết bị quân sự của Nga nhiều hơn bất kỳ nước nào. Trong số này có tàu ngầm lớp Kilo, máy bay Su-27, tàu khu trục lớp Sovremenny, đạn các loại và cả tên lửa.
Trong những năm qua, dù doanh số bán vũ khí có giảm nhưng Nga vẫn tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc các thiết bị quân sự then chốt.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chiến lược hàng hải ở biển Đông phụ thuộc vào yếu tố chính trị khu vực là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu mới rồi, Tổng thống Putin tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc đối với phán quyết trọng tài. Chuyên gia Abhijit Singh nhận định Nga bắt đầu lưu ý nếu Trung Quốc tăng cường cơ sở hạ tầng trên các đảo ở biển Đông, đây sẽ là lá chắn bảo vệ Nga chống lại Mỹ tấn công. Vì lẽ đó hải quân Nga đã xác định Trung Quốc là “đối tác chủ yếu” trong chiến lược hàng hải mới. |