Nga ra sao nếu chiến tranh Triều Tiên bùng nổ?

Thời gian qua, gần như ngày nào Triều Tiên cũng độc diễn một “vở kịch” khiến thần kinh của thế giới căng như dây đàn. Trước tình thế đó, nước láng giềng của Triều Tiên là Nga cũng đã bắt đầu lên tiếng.

Nga rất bực mình. Những lời phát biểu của tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đều thể hiện rõ sự bực mình này, đồng thời lên tiếng thẳng thắn chỉ trích cả phe Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Ngày 10-4, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Không nên dùng bất cứ hành động quân sự nào để dọa nạt”. Mặc dù câu nói này không chỉ đích danh, nhưng dư luận sẽ liên tưởng ngay đến những hành động bố trí lực lượng dày đặc của Mỹ tại khu vực gần bán đảo thời gian vừa qua, liên tưởng đến cuộc tập trận chung “Chim Ưng”, “Giải pháp then chốt” giữa Mỹ và Hàn Quốc từ ngày 1-3, liên tưởng đến hạm đội máy bay oanh tạc chiến lược B-52, máy bay oanh tạc chiến lược tàng hình B-2, máy bay chiến đấu tàng tình F-22 của Mỹ.

Dĩ nhiên, Nga cũng nhấn mạnh sẽ không đứng về phe nào: Vừa lên án việc Mỹ - Hàn Quốc tổ chức tập trận xung quanh Triều Tiên, đồng thời cũng tuyên bố sẽ không có những hành động thiếu suy nghĩ “bắt tay với Triều Tiên để tập trận chung”.

Với vai trò là nước láng giềng của Triều Tiên, dĩ nhiên là Nga sẽ lo lắng. Tổng thống Putin đã phát biểu rất thẳng thắn rằng: “Đây không phải là điều bí mật, chúng tôi rất lo lắng cục diện bán đảo sẽ leo thang, vì chúng tôi là nước láng giềng. Nếu một số sự việc mà thượng đế không cho phép xảy ra lại xảy ra, thảm họa hạt nhân Chernobyl sẽ không phải là câu chuyện cổ tích mà trẻ em vẫn đọc. Đây có phải là mối đe dọa không? Câu trả lời của tôi là khẳng định”.


Nếu cục diện bán đảo rơi vào tình trạng mất kiểm soát, Nga sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa nào? Dân tị nạn Triều Tiên sẽ đổ sang Trung Quốc và Nga, đây là điều không thể tránh khỏi. Tình trạng này có thể còn đe dọa đến khu vực Viễn Đông của Nga, dân số của khu vực này đang giảm mạnh do kinh tế suy thoái, nếu chiến tranh xảy ra thì dân số vùng Viễn Đông sẽ còn tiếp tục giảm do chạy đi nơi khác.

Nga còn phải chuẩn bị tinh thần trước việc tên lửa của Triều Tiên – hệ thống tên lửa chưa ai biết “tiên tiến” đến đâu có thể bắn nhầm sang Nga: 7 năm trước, Triều Tiên phóng tên lửa sang Mỹ và rơi xuống cảng Nakhodka của Nga. Ngoài ra, Nga còn một mối lo nữa khó có thể nói thành lời: Giả dụ Triều Tiên – Hàn Quốc khai chiến, chắc chắn Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp, và tên lửa của Mỹ có bắn nhầm vào lãnh thổ Nga hay không là điều không ai dám nói trước. Như trong cuộc tấn công nhằm vào Nam Tư và Iraq, tên lửa của Mỹ đã rơi vào những địa điểm không nên rơi.

Nga ngày càng đưa ra những ngôn luận cứng rắn trong vấn đề bán đảo Triều Tiên là bởi lý do rất chính đáng: Bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, đằng sau lại là tham vọng nâng cao độ ảnh hưởng trong khu vực và thực hiện chiến lược Đông tiến.

Trong cuộc khủng hoảng bán đảo lần này, các quan chức và chuyên gia Nga đều phê phán Mỹ, nói rằng bầu không khí khủng bố trên bán đảo Triều Tiên mà Mỹ đã “góp tay” duy trì trong thời gian qua chẳng khác gì lửa cháy lại đổ thêm dầu, mục đích là thúc đẩy thực hiện kế hoạch quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia Nga đã chỉ ra rằng, Mỹ muốn xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên toàn cầu, bao gồm tại châu Âu, lãnh thổ Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Để xây dựng hệ thống này, Mỹ phải tìm đủ mọi lý do. Tại châu Âu, Mỹ đã tìm thấy Iran, tại châu Á thì lựa chọn Triều Tiên.

Những động thái rầm rộ của Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đã khiến Nga cảm thấy bất an. Châu Á Thái Bình Dương hiện đang trở thành trung tâm chính trị và đời sống kinh tế của thế giới, chiến lược Đông tiến của Nga đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, chính sách bán đảo Triều Tiên của Nga đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, đặc biệt là sự xa cách trong quan hệ với Triều Tiên đã khiến độ ảnh hưởng của Nga trong khu vực này giảm đi rõ rệt. Vài năm gần đây, Nga luôn là một thành viên quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề của bán đảo nhưng không rõ nét.

Hiện tại, Nga đang rất nỗ lực để tạo dựng sự ảnh hưởng đối với Triều Tiên như thời kỳ Liên Xô: Năm 2000, Putin đã trở thành vị tổng thống Nga đầu tiên sang thăm Triều Tiên; Năm 2011, nhà lãnh đạo Nga nhiều lần thị sát vùng Viễn Đông, hải quân Nga còn quyết định bố trí hai mẫu hạm trực thăng mua của Pháp ở khu vực Viễn Đông. Với những tham vọng lớn lao như vậy, trước sự tấn công như vũ bão của chiến lược “trở lại châu Á Thái Bình Dương” của Mỹ, làm sao Nga có thể ngồi yên?

Và thế là, vì những lợi ích có thể nói ra bằng lời và những lợi ích không tiện nói ra bằng lời, Nga đã lên tiếng kêu gọi các bên không nên “khẩu chiến”, càng không nên sử dụng thủ đoạn vũ lực, đe dọa, mà nên nỗ lực giải quyết vấn đề bán đảo bằng biện pháp hòa bình.

Theo Huy Long (Tiền Phong /Nhân dân Nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm