Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: CNA
Trung Quốc ‘tỏ thái độ’
Theo quan chức tình báo cấp cao của Mỹ là James Clapper, Trung Quốc có vẻ như rất ‘thất vọng’ với giọng điệu hiếu chiến từ Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn duy trì chế độ này như một ‘vùng đệm’ ở biên giới phía đông bắc.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nói với các nhà lập pháp rằng lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đang thử sức kiên nhẫn của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang có lớp lãnh đạo mới và chúng tôi có những dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc đang thực sự thất vọng với hành động và lời lẽ hiếu chiến của Kim Jong Un” – ông Clapper phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Clapper cũng nói thêm là hiện chưa rõ vị lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có đi theo các bước của cha mình trong cách tiếp cận với Trung Quốc hay không.
“Không giống như cha ông ấy, tôi nghĩ rằng ông ấy (Kimg Jong Un) đang đánh giá thấp sự thất vọng của Trung Quốc về chính ông ấy và sự bối rối của Bắc Kinh trước hành động của ông” – Clapper nói thêm.
Ủy ban Tình báo của Quốc hội Mỹ cũng nhấn mạnh rằng ông Kim Jong Un vẫn là một ẩn số thậm chí với các bộ máy tình báo mạnh nhất thế giới. Các quan chức cấp cao vẫn lên tiếng lo ngại rằng lãnh đạo Triều Tiên có thể còn khó đoán hơn cả cha, ông của ông ta trước đó.
“Không ai biết được là ông ta sẽ hành động như thế nào vì ông ấy bốc đồng” và có vẻ như ‘không gượng gạo như cha ông ấy mỗi khi sắp sửa có hành động gây hấn’ – Clapper nói.
“Với cha ông ấy (Kim Jong Il) thì trước tiên là rất dữ dội, sau đó lại thoái bộ. Chúng ta chưa thấy điều đó ở Kim Jong Un”.
Clapper cho rằng Kim Jong Un bị ảnh hưởng từ đường lối quân sự cứng rắn của Triều Tiên trước khi ông ta lên tiếp quản quyền lực, nhưng người chú và cô của lãnh đạo này dường như đã đóng vai trò gây ảnh hưởng ôn hòa hơn.
“Mục tiêu chính của ông ta là củng cố và khẳng định uy quyền của mình”.
‘Tôi không nghĩ là ông ấy muốn một trận chiến cuối cùng, mà chỉ là ông ấy muốn bằng cách nào đó có được sự công nhận của thế giới, đặc biệt và quan trọng nhất là từ Mỹ, rằng Triều Tiên trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc hạt nhân.
Clapper cũng nói thêm là Bắc Kinh đang phải đối mặt với một tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ vì Triều Tiên vẫn là một bức ‘tường thành’ cho Trung Quốc, và các lãnh đạo Bắc Kinh không muốn có bất kỳ bước đi nào dẫn tới sự sụp đổ của Bình Nhưỡng.
Viễn cảnh tồi tệ nhất với Bắc Kinh là một cơn chấn động có thể ‘giúp thống nhất bán đảo Triều Tiên’, vì nó sẽ khiến Mỹ áp sát ngay cửa ngõ Trung Quốc.
“Về mặt địa chính trị, Trung Quốc rất nhạy cảm khi có một vùng đệm ở Triều Tiên” – ông Clapper khẳng định.
Thực tế khó tin?
Trong một động thái liên quan, Mỹ hôm qua quả quyết rằng Triều Tiên không có cái gọi là ‘tên lửa hạt nhân’ khi các quan chức tìm cách ‘nói giảm’ về thông tin tình báo rò rỉ, trong đó cảnh báo việc Bình Nhưỡng có vẻ như đã thành công khi xây dựng đầu đạn nguyên tử có thể lắp đặt lên tên lửa đạn đạo.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Litte nói: ‘Sẽ là không chính xác nếu cho rằng Triều Tiên đã thử nghiệm, phát triển hoặc chứng thực đầy đủ các kiểu tiềm lực hạt nhân như được nêu’ trong thông tin tình báo.
Tuyên bố trên đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà lập pháp nhận được báo cáo từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) trong phiên điều trần sáng ngày hôm qua. Bản báo cáo này dường như đã làm thay đổi quan điểm của Washington về chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Đánh giá của DIA nói rằng các nhà phân tích của Mỹ ‘tin ở mức độ chừng mực rằng Triều Tiên hiện đang có vũ khí hạt nhân có thể được phóng đi bằng tên lửa đạn đạo’ nhưng mức độ tin cậy của vũ khí này rất ‘thấp’.
Bản báo cáo này đã cho thấy lần đầu tiên chính phủ Mỹ buộc phải nghĩ đến việc Triều Tiên có thể đã thành công trong việc thu nhỏ thiết bị hạt nhân để đặt lên tên lửa.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng điều này không thay đổi đánh giá của Washington rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa tới lúc có thể bắn tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân.
“Triều Tiên chưa bao giờ chứng minh được khả năng này và chúng tôi không tin rằng họ có thể làm được điều đó vào lúc này” – vị quan chức nói.
Mỗi ngày một lời đe dọa
Cũng trong ngày hôm qua, Triều Tiên lại đưa ra một loạt đe dọa mới với tuyên bố đi kèm là họ đã có ‘các phương tiện không kích mạnh mẽ’ để dự phòng.
Lời đe dọa này ám chỉ vào vụ phóng tên lửa mà Mỹ và Hàn Quốc, Nhật đang lo ngại.
Trong khi đó, trên các đường phố Bình Nhưỡng, người dân Triều Tiên lại chuyển sang tập trung cho các lễ hội kỷ niệm một năm lãnh đạo Kim Jong Un đảm nhiệm vị trí cao nhất trong đảng Lao động, và ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Nhiều lời chỉ trích cũng nhằm vào Bình Nhưỡng trong thời giannafy. Nhóm các quốc gia G-8 đang họp tại London đã chỉ trích các ‘giọng điệu hiếu chiến’ của Triều Tiên, cảnh báo rằng hành động và lời lẽ như vậy chỉ khiến quốc gia này bị cô lập thêm.
Còn tại Seoul, Bộ trưởng Thống nhất Ryoo Kihl-jae đã hối thúc Bình Nhưỡng tham gia đàm phán và đưa công nhân trở lại khu công nghiệp để làm việc.
“Chúng tôi thúc giục phía Triều Tiên không để cho khủng hoảng lan ra thêm trên bán đảo Triều Tiên” – ông Ryoo nói.
Theo Lê Thu (VNN / CAN/Reuters/AP)