Nga thành công bắn hạ tên lửa HIMARS nhờ kết hợp 'bộ ba sát thủ' này

(PLO)- Quân đội Nga đạt được thành công lớn trong việc bắn hạ tên lửa HIMARS của Ukraine nhờ sử dụng phối hợp hệ thống phòng không S-300 và tổ hợp tên lửa Buk, đồng thời sử dụng bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công nhiều bệ phóng HIMARS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quân đội Nga đạt được thành công lớn trong việc bắn hạ tên lửa HIMARS của Ukraine nhờ sử dụng phối hợp hệ thống phòng không S-300 và tổ hợp tên lửa Buk, đồng thời sử dụng bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh để tấn công nhiều bệ phóng HIMARS.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Theo trang The EurAsian Times, hôm 5-4, trung tâm báo chí của Nhóm Lực lượng Zapad cho biết: “Trong khu vực phòng thủ của binh đoàn xe tăng số 1, quân đội Ukraine đã cố gắng tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa sử dụng hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS nhằm vào các vị trí Nga gần làng Pokrovskoye. Nhờ sự phối hợp giữa các đơn vị vận hành Buk và S-300, tất cả tên lửa đều bị đánh chặn”.

Trong thông cáo báo chí phát đi cùng ngày 5-4, Bộ Quốc phòng Nga cho hay: “Lực lượng phòng không đã bắn hạ 13 tên lửa HIMARS và một tên lửa chống bức xạ HARM”.

Sự phối hợp của S-300 và Buk

S-300 là hệ thống phòng không tích hợp tầm xa, có radar và tên lửa có thể tấn công các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách xa, trung bình và ngắn. S-300 có khả năng cơ động cao nhưng khi được triển khai trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hệ thống này chủ yếu được đặt ở vị trí cố định.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: RUSSIAN MINISTRY OF DEFENSE

Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: RUSSIAN MINISTRY OF DEFENSE

Biến thể S-300PMU có radar giám sát 64N6 Big Bird có khả năng theo dõi tới 300 mục tiêu trong phạm vi tối đa 300 km và radar 30N6-1 có nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa. Hệ thống sử dụng các biến thể khác nhau của tên lửa đánh chặn 48N6 tích hợp công nghệ dẫn đường Track Via Missile (TVM) và có tầm bắn tối đa 150 km.

Hệ thống S-300 được triển khai ở sâu phía sau tiền tuyến, vượt xa tầm bắn của pháo phản lực của đối phương. Hệ thống này được bảo vệ trước các cuộc không kích nhờ vào các hệ thống tầm trung và tầm ngắn như Buk, Pantsir và Tor.

Buk-M3 là hệ thống tên lửa tầm trung, được sử dụng để bảo vệ binh sĩ, thiết bị và các nút thắt hậu cần quan trọng như các cây cầu trước các cuộc tấn công bằng máy bay, tên lửa hành trình và bom đạn dẫn đường của đối phương.

Tổ hợp tên lửa Buk cơ động hơn và triển khai nhanh hơn so với hệ thống S-300. Biến thể mới nhất Buk-M3 có tầm bắn khoảng 72 km, được thiết kế để tiêu diệt đồng thời 36 mục tiêu. Hệ thống Buk chủ yếu được triển khai đằng sau chiến tuyến, cách xa tầm bắn của pháo binh đối phương.

Chiến thuật phối hợp “bộ ba sát thủ”

Sự kết hợp giữa S-300 và Buk giúp quân đội Nga tận dụng được khả năng phát hiện mục tiêu tầm xa của radar S-300 và khả năng theo dõi quang học của hệ thống Buk.

Buk được trang bị hệ thống theo dõi thụ động mục tiêu gồm thiết bị theo dõi quang học và máy đo khoảng cách laser, camera nhiệt. Điều này sẽ giúp bảo vệ hệ thống Buk an toàn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa HARM phóng từ tiêm kích MiG-29 của không quân Ukraine hoặc tên lửa HIMARS.

Tổ hợp tên lửa Buk. Ảnh: WIKIPEDIA

Tổ hợp tên lửa Buk. Ảnh: WIKIPEDIA

Hai hệ thống S-300 và Buk phối hợp theo cách thức như sau: Radar tầm xa của S-300 sẽ phát hiện tên lửa HIMARS và tự động gửi thông tin đến hệ thống Buk. Hệ thống Buk sẽ kích hoạt radar của nó trong giây lát để khóa mục tiêu, chuyển mục tiêu cho hệ thống theo dõi thụ động và sau đó ngay lập tức chuyển sang chế độ đánh chặn. Việc S-300 có thể hoạt động ở chế độ tự động hoàn toàn, không cần sự can thiệp của con người sẽ giúp giảm thời gian phản ứng, tạo điều kiện thuận lợi để đánh chặn đầu đạn của tên lửa nhanh hơn.

Kiểu phối hợp này sẽ giúp tiết kiệm chi phí vì quân đội Nga không cần phải sử dụng tên lửa S-400 đắt đỏ. Bên cạnh đó, sự kết hợp này sẽ cho phép đánh chặn tên lửa HIMARS ở khoảng cách xa hơn so với sử dụng các hệ thống phòng không Pantsir và Tor. Việc tăng phạm vi đánh chặn tên lửa HIMARS sẽ giúp tăng quy mô các vùng không phận được bảo vệ.

Việc sử dụng kết hợp hệ thống S-300 và Buk để đánh chặn HIMARS cùng các loại tên lửa dẫn đường khác như HARM hay JADAM-ER sẽ làm suy giảm đáng kể kho dự trữ tên lửa có dẫn đường của đối phương.

Nga gần đây cũng đã tăng cường sử dụng bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh. Theo người phát ngôn của không quân Ukraine – ông Yuriy Ihnat, Nga đã thả khoảng 20 quả bom lượn mỗi ngày.

“Đối phương sử dụng bom lượn có khả năng bay hàng chục km, lên tới 20 quả bom mỗi ngày dọc theo đường phân giới. Bom được thả từ máy bay chiến đấu Su-35 và Su-34, nằm ngoài tầm bắn của lực lượng phòng không Ukraine. Đây là mối đe dọa với chúng tôi và chúng tôi chưa tìm ra cách đối phó” – ông Ihnat cho biết.

Giới phân tích nhận định Nga đã cải thiện đáng kể khả năng bắn hạ tên lửa HIMARS của Ukraine thời gian qua, từ việc nâng cấp phần mềm cho hệ thống Pantsir cho tới sử dụng phối hợp hệ thống S-300 và tổ hợp Buk. Điều này sẽ làm giảm đáng kể cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm