Lãnh đạo Văn phòng Tổng công tố Nga Yuri Chaika ngày 18-4 thông báo như vậy trong một báo cáo trước phiên họp lưỡng viện của Quốc hội Nga. Ông Chaika nhắc lại một tuyên bố trước đó của một số quan chức trong văn phòng của ông rằng cái chết của tỉ phú Berezovsky vào tháng 3-2013 tại Anh có thể là do sắp đặt, theo RT.
Nhà tài phiệt lừng lẫy nước Nga Boris Berezovsky. Ảnh: REUTERS
Phát biểu trước các nghị sĩ, ông Chaika cho hay ông Berezovsky có liên hệ với vụ ám sát Aleksandr Litvinenko, một cựu điệp viên Nga "trở mặt" và tị nạn tại Anh. Vụ ám sát được thực hiện bằng chất phóng xạ polonium vào năm 2006. Ông Chaika cho biết vụ sát hại này có liên quan tới tình báo Anh nhưng London lại đổ lỗi cho Moscow.
“Polonium được tìm thấy trong văn phòng của ông Berezovsky nhưng ông Berezovsky không thể một mình mà có được polonium. Ông ấy cũng không thể ngụy tạo chứng cứ như vậy. Ông hành động theo chỉ đạo của cơ quan tình báo Anh và đã cùng với họ hành động” - ông Chaika cho biết.
Theo Tổng công tố viên trưởng của Nga, khi ông Berezovsky quyết định trở về Nga thì tình báo Anh không thể để cho một người đã biết được nhiều bí mật về vụ ám sát trở thành một rủi ro tình báo.
Ông Berezovsky, một nhân vật quyền lực ở Nga trong những năm 1990, rời khỏi đất nước năm 2011. Tỉ phú Nga bị truy tố tội tham ô quy mô lớn và sau đó bị kết án vắng mặt. Ông được cấp quy chế tị nạn chính trị ở Anh và London cũng đã bác yêu cầu dẫn độ ông về nước của Nga.
Trong thời gian sống ở Anh, cái tên Berezovsky phủ sóng trên các phương tiện truyền thông trong một số sự kiện, trong đó có cuộc chiến pháp lý với doanh nhân người Nga Roman Abramovich và sau cái chết của người bạn Litvinenko.
Không lâu trước khi qua đời, ông Berezovsky được cho là đã cố gắng tìm cách thỏa thuận với chính phủ Nga về chuyện ông trở về nước. Nhà tài phiệt Nga được phát hiện tử vong tại nhà riêng ở làng Sunninghill, vùng Berkshire, Anh. Cảnh sát cho biết ông đã tự tử. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm thi thể ông và xem đây là một vụ chết bất thường, còn kết luận vẫn bị bỏ ngỏ.
Hồi 9-4, cấp phó của ông Chaika là Saak Karapetian cho biết Anh từ chối hợp tác điều tra với Nga trong cả ba vụ ám sát bí ẩn liên quan đến người tị nạn chính trị Nga ở Anh, gồm vụ của ông Berezovsky, Litvinenko và cha con nhà Skripal. Điều này làm giảm tính khách quan của các vụ điều tra. "Trong suốt một năm sau cái chết của Berezovsky, chính phủ Nga đã đề nghị phía Anh cung cấp các hồ sơ xác nhận về cái chết và nguyên nhân cái chết của Berezovsky. Đến nay, Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào dù phía Anh có nghĩa vụ tuân thủ Hiệp định tương trợ pháp lý" - ông Karapetian nhấn mạnh.
Hôm 10-4, các công tố viên Nga cũng tiết lộ một kết quả điều tra độc lập của phía Đức vào năm 2006 về vụ ám sát Litvinenko. Theo đó, chất phóng xạ Polonium-210 đã được đưa đến London trước khi hai công dân người Nga Dmitry Kovtun và Andrey Lugovoy, những người mà chính phủ Anh tố là sát thủ, đến nước Anh. Các công tố viên cho rằng Anh đã điều tra không chính xác về vụ việc và hấp tấp đổ tội cho các công dân Nga.