Theo hãng tin Reuters, Nga hôm 6-7 cho biết họ đã tăng cường tuần tra để ngăn chặn người dân săn bắn sóc marmot gần biên giới với Trung Quốc và Mông Cổ, sau khi các nước này ghi nhận các các nghi nhiễm bệnh dịch hạch được lây truyền từ loài động vật này.
Chính quyền TP Ba Ngạn Náo Nhĩ thuộc Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc hôm 5-7 đã báo động về bệnh dịch hạch sau khi ghi nhận một ca nghi nhiễm bệnh này ở bệnh viện địa phương.
Khu tự trị Nội Mông ở Trung Quốc đã ra lệnh cấm săn bắn và ăn thịt những loài gặm nhấm lớn và yêu cầu công chúng báo cáo bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào, cũng như bất kỳ con sóc marmot nào bị bệnh hoặc chết.
Mông Cổ cũng ghi nhận hai trường hợp bệnh dịch hạch có liên quan đến những người ăn thịt sóc marmot ở tỉnh Khovd, miền Tây nước này, hồi tuần trước. Theo báo The Moscow Times, Mông Cổ đã tiến hành cách ly khu vực phía Tây gần biên giới với Nga ngay sau khi xác nhận hai trường hợp nhiễm bệnh này ở tỉnh Khovd.
Mông Cổ ã cach ly khu vực phía Tây gần biên giới với Nga sau khi phát hiện hai ca nhiễm bệnh dịch hạch hồi tuần qua. Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Cụ thể, Trung tâm Quốc gia về bệnh lây truyền từ động vật sang người của Mông Cổ (NCZD) đã cách ly thủ phủ của tỉnh Khovd và một huyện của tỉnh này cách vùng Altai của Nga khoảng 500 km về phía nam.
Chính quyền vùng Altai của Nga, vốn tiếp giáp Mông Cổ, Kazakhstan và Trung Quốc, cho biết các quan chức đang tuần tra khu vực này để thực thi lệnh cấm săn bắn sóc marmot và cảnh báo người dân về những hiểm họa về bệnh dịch hạch, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Chi nhánh của Rospotrebnadzor - cơ quan giám sát sức khỏe người tiêu dùng Nga - ở địa phương cho biết các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm bên biên giới chưa gây ra mối đe dọa cho người dân ở Altai, theo TASS.
Việc có người mắc bệnh dịch hạch, được biết đến với tên gọi “Cái chết Đen” vào thời Trung cổ ở châu Âu, là một bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao và thường gây tử vong, được lây lan chủ yếu bởi các động vật thuộc loài gặm nhấm.
Bệnh dịch hạch không phải là hiếm tại Trung Quốc, nhưng từ lâu đã không bùng phát thành dịch. Từ năm 2009 đến 2018, Trung Quốc ghi nhận 26 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Tháng 11-2019, bốn người ở Khu tự trị Nội Mông được xác nhận mắc bệnh dịch hạch, bao gồm hai ca bệnh dịch hạch phổi có nguy cơ tử vong cao hơn, theo hãng tin Reuters.
Tại Mông Cổ hồi năm ngoái, một cặp vợ chồng đã chết vì bệnh dịch hạch ở tỉnh Bayan-Ulgii sau khi ăn thịt marmot sống, theo hãng thông tấn Press Trust of India.
Tin tức về bệnh dịch hạch xuất hiện sau khi các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra cảnh báo về một đại dịch tiềm tàng khác do virus cúm gây ra ở heo. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn đang diễn biến khó lường tại nhiều nơi trên thế giới.