Ngày 29-8 (giờ địa phương), tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đưa tin trong máy tính xách tay của một phiến quân Nhà nước Hồi giáo có lưu tài liệu mật hướng dẫn cải trang, chế tạo bom và đặc biệt là sử dụng vũ khí trực khuẩn gây bệnh dịch hạch.
Một nhân vật mang bí danh Abu Ali chỉ huy quân nổi dậy ôn hòa ở miền Bắc Syria thuật lại với tạp chí Foreign Policy đã tịch thu máy tính trên trong một trận đánh phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung trong máy tính đã bị xóa, tuy nhiên khi khôi phục lại dữ liệu, Abu Ali phát hiện hàng ngàn tài liệu mật trên ổ đĩa cứng. Các phóng viên tạp chí Foreign Policy đã được phép sao lưu lại tài liệu.
Tài liệu được viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Ả Rập. Phần tài liệu hướng dẫn sử dụng vũ khí sinh học dài 19 trang giải thích cách thức thu trực khuẩn dịch hạch từ súc vật bị nhiễm và cách điều chế thành vũ khí sinh học.
Tài liệu nêu có thể cho trực khuẩn dịch hạch vào lựu đạn và ném vào xe điện ngầm, sân vận động, nhà hát… Tài liệu khẳng định cách thức này ít tốn kém nhưng gây ra nhiều nạn nhân.
Biếm họa của STEVE GREENBERG ở Los Angeles (Mỹ). Chữ trong ảnh: Radical islam=Hồi giáo cực đoan.
Kết quả kiểm tra máy tính nêu trên cho thấy tên phiến quân sử dụng máy tính tên là Mohamed S. người Tunisia, đã học vật lý và hóa học tại hai trường đại học ở Tunisia và biến mất khỏi Tunisia từ năm 2011.
Trong máy tính có lưu chỉ lệnh của giáo sĩ Nasir al-Fahd người Saudi Arabia cho phép sử dụng vũ khí sinh học. Giáo sĩ này đang ngồi tù ở Saudi Arabia. Chỉ lệnh nêu: “Nếu người Hồi giáo không thể thuyết phục kẻ ngoại đạo thì cho phép sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt cho dù vũ khí này sẽ giết chết tất cả chúng và con cháu chúng, làm cho chúng biến mất khỏi Trái đất này”.
Tạp chí Foreign Policy nhận định chưa có bằng chứng cho thấy phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã có trong tay vũ khí sinh học nhưng không loại trừ Nhà nước Hồi giáo sẽ phát triển vũ khí như vậy.
Trong khi đó trên báo New York Times ngày 29-8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế rộng rãi nhằm chống Nhà nước Hồi giáo. Liên minh này phải sử dụng các phương tiện chính trị, nhân đạo, kinh tế, pháp lý và tình báo để hỗ trợ cho hành động quân sự. Ông cho biết ông sẽ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thảo luận với các đối tác về vấn đề này bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới và sẽ đến Trung Đông để vận động. Ông tiết lộ khi Mỹ giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 9, nhân một phiên họp, Tổng thống Obama sẽ đề nghị chiến lược chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Cùng ngày tại Anh, Anh đã nâng mức báo động an ninh từ “có khả năng xảy ra” lên mức “nghiêm trọng” nhằm đối phó với các công dân Anh gia nhập phiến quân rồi về nước phá hoại.
Mức “nghiêm trọng” là cấp 4 trong thang năm cấp của Anh. Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May giải thích mức “nghiêm trọng” hàm nghĩa một vụ tấn công có khả năng cao sẽ xảy ra dù không có thông tin về mối đe dọa tiềm tàng.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo ở dinh thủ tướng, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh: “Với Nhà nước Hồi giáo, chúng ta đang đương đầu với mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà chúng ta chưa từng biết”.
Ông thông báo ngày 1-9 sẽ trình Quốc hội đề nghị sửa đổi luật để thu hồi nhanh chóng hộ chiếu của các phần tử cực đoan người Anh.
HOÀNG DUY
Chiến dịch quân sự chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo của Mỹ ở Iraq bắt đầu từ giữa tháng 6 tốn khoảng 7,5 triệu USD/ngày. Ngày 29-8, người phát ngôn Lầu Năm Góc thông báo như trên. Mỹ đã triển khai 865 binh sĩ tại Iraq để bảo vệ nhân viên ngoại giao Mỹ và làm nhiệm vụ cố vấn cho quân đội Iraq. |