Ngay trước khi Tổng thống Obama long trọng công bố kế hoạch hành động chi tiết đối với phiến quân Nhà nước Hồi giáo từ Nhà Trắng lúc 21 giờ ngày 10-9 (giờ địa phương), ngày 9-9, ông Obama khẳng định không cần Quốc hội thông qua hành động ném bom bởi các nghị sĩ đều nhất trí với ông.
Đài phát thanh Canada cho biết luật của Mỹ bắt buộc tổng thống (tổng tư lệnh quân đội) phải tham vấn Quốc hội trước khi điều động quân đội tham chiến ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề tham vấn chỉ được đặt ra khi thời gian tham chiến kéo dài từ 60 ngày trở lên.
Báo New York Times (Mỹ) giải thích năm ngoái, khi Tổng thống Obama đe dọa bắn tên lửa hành trình vào Syria, các ý kiến đối lập trong Quốc hội đã bắt buộc ông phải từ bỏ ý định này. Còn bây giờ mối đe dọa phiến quân Nhà nước Hồi giáo có khác.
Trong ngày 9-9, Mỹ cũng đã trình Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết về ngăn chặn công dân gia nhập các tổ chức cực đoan.
Dự thảo nghị quyết yêu cầu các nước thành viên LHQ:
● Cảnh báo và ngăn chặn công dân tham gia tuyển mộ hoặc ra nước ngoài tham gia khủng bố hay huấn luyện nhằm mục đích khủng bố.
● Áp dụng luật pháp trong nước trừng phạt nặng đối với các phần tử thánh chiến nước ngoài cùng với bọn tuyển mộ và cung cấp tài chính cho các phần tử thánh chiến nước ngoài.
● Ngăn chặn các phần tử thánh chiến nước ngoài nhập cảnh và quá cảnh khi có thông tin đáng tin cậy về chúng.
● Cấm tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan và bạo lực có thể kích động chủ nghĩa khủng bố.
● Khuyến khích hợp tác quốc tế và tăng cường trao đổi thông tin qua trung gian của Tổ chức Cảnh sát quốc tế. Khuyến khích các hãng hàng không báo cáo những trường hợp nghi ngờ.
Đốt ảnh cờ Nhà nước Hồi giáo ở Lebanon. Ảnh: GETTY IMAGES
Dự thảo đề nghị áp dụng Điều 7 Hiến chương LHQ để trừng phạt các nước không tuân thủ nghị quyết.
Dự kiến dự thảo nghị quyết sẽ được đưa ra thông qua tại phiên họp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 24-9 do chính Tổng thống Obama chủ trì bên lề phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.
Trong khi đó, ngày 10-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đột ngột thay đổi lịch trình công du Trung Đông và dừng chân tại Baghdad (Iraq). Trong chuyến thăm không báo trước này, ông đã hội đàm với Thủ tướng Haider al-Abadi về cam kết hỗ trợ Iraq chống Nhà nước Hồi giáo.
Tại Pháp, ngày 9-9, phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian khẳng định Pháp không loại trừ khả năng đưa bộ binh đến Iraq chống Nhà nước Hồi giáo nếu chính phủ Iraq yêu cầu.
Trước đây Pháp đã từ chối tham gia liên quân do Mỹ đứng đầu lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 2003.
HOÀNG DUY
Trong khi trò thách đố dội nước đá (Ice Bucket Challenge) đang thịnh hành trên mạng thì các tín đồ Hồi giáo chính trực đã bài xích Nhà nước Hồi giáo bằng phong trào Burn ISIS Flag Challenge (Hãy đốt cờ của Nhà nước Hồi giáo). Cuối tháng 8, ba công dân Beirut (Lebanon) phẫn uất khi Nhà nước Hồi giáo phát tán băng video cắt cổ một binh sĩ Lebanon. Họ đưa lên trang Twitter ảnh đốt cờ Nhà nước Hồi giáo tại quảng trường Sassine ở Beirut và mời gọi mọi người tham gia. Người tham gia đốt cờ khẳng định không thể khoan dung cho hành động man rợ của phiến quân. Để phản ứng lại, Nhà nước Hồi giáo đã đốt biểu tượng của Công giáo và tiếp tục xử tử binh sĩ Lebanon thứ hai vào ngày 6-9. 1,6 triệu bảng Anh là giá trị số vũ khí Anh sẽ viện trợ cho Iraq chống Nhà nước Hồi giáo. Ngày 9-9 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết số vũ khí này do chính phủ Iraq yêu cầu và được chuyển đến Iraq trong ngày 10-9. 50.000 USD là cái giá quân nổi dậy Syria bán nhà báo Mỹ Steven Sotloff cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Gia đình nạn nhân bị cắt cổ nói với đài CNN như trên. Tuy nhiên, ngày 9-9, Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin này. |