“Tôi đến đây ở Baghdad để nói rằng Pháp đã sẵn sàng viện trợ quân sự hơn nữa cho Iraq”. Ngày 12-9, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố như trên sau khi hội đàm với Tổng thống Iraq Fuad Masum và Thủ tướng Haider al-Abadi. Tháp tùng với tổng thống còn có Ngoại trưởng Laurent Fabius và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian.
Báo Le Monde (Pháp) nhận định chuyến công du Iraq của Tổng thống François Hollande nhằm đánh dấu vai trò của Pháp trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Pháp đã từng từ chối tham chiến với Mỹ và Anh ở Iraq năm 2003. 11 năm sau, Pháp toan tính giương lá cờ đầu chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.
Sau khi tổng thống Pháp thân chinh đến Iraq, Tổng thống Iraq Fuad Masum sẽ sang Pháp để đầu tuần tới cùng tổng thống Pháp chủ trì hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh ở Iraq.
Hội nghị mong muốn đạt ba mục tiêu: Khẳng định sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với chính phủ mới ở Iraq, phối hợp công tác đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo và cam kết hỗ trợ nhân đạo và tái thiết cho Iraq.
Tổng thống Pháp François Hollande (trái) hội đàm với Tổng thống Iraq Fuad Masum ngày 12-9 tại Baghdad. Ảnh: AP
Đài phát thanh Europe 1 đã đưa tin sắp tới Pháp có thể triển khai 250 binh sĩ lực lượng đặc nhiệm đến Iraq.
Trong khi đó, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin hội nghị ngoại trưởng Ả Rập-Mỹ tại Jeddah (Saudi Arabia) ngày 11-9 đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung Jeddah.
Tuyên bố chung Jeddah khẳng định các nước đoàn kết chống các tổ chức khủng bố và ủng hộ Iraq thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc chống Nhà nước Hồi giáo.
Tuyên bố khẳng định các nước sẽ thực hiện trách nhiệm của mỗi nước như sau:
- Ngăn chặn các tay súng nước ngoài từ các nước láng giềng xâm nhập.
- Ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính cho Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức cực đoan.
- Phản đối tư tưởng tàn ác, chấm dứt miễn trừng phạt và đưa bọn khủng bố ra trước công lý.
- Đóng góp nhân đạo và tái thiết cho các cộng đồng bị Nhà nước Hồi giáo đàn áp.
- Ủng hộ các nước đang bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa nghiêm trọng nhất.
- Tham gia chiến dịch quân sự phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo nếu thích hợp.
Tại Úc, ngày 12-9, lần đầu tiên từ năm 2003, Úc đã thông báo nâng mức báo động khủng bố từ trung bình lên mức cao.
Thủ tướng Úc Tony Abbott giải thích quyết định nâng mức báo động không dựa vào thông tin về âm mưu tấn công đặc biệt nào mà căn cứ vào nhiều dấu hiệu báo động khả năng gia tăng tấn công khủng bố ở Úc.
Ông cho biết từ hơn một năm nay, các cơ quan an ninh và tình báo đã báo động về tình hình các công dân Úc tham gia các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo, Mặt trận Al-Nusra và Al Qaeda tăng cường hoạt động.
Ngày 10-9, sau một năm điều tra, cảnh sát Úc đã bắt giữ hai tên tình nghi tuyển mộ công dân Úc đưa sang Syria gia nhập Nhà nước Hồi giáo.
DẠ THẢO - LÊ LINH
Anh: Ngày 11-9, Ngoại trưởng Philip Hammond tuyên bố Anh không tham gia không kích Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Năm ngoái, Quốc hội Anh đã từng bác bỏ giải pháp can thiệp quân sự ở Syria. Đức: Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức không tham gia không kích ở Syria và Iraq. Ngày 12-9, Đức thông báo cấm mọi hành động ủng hộ Nhà nước Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria mà chỉ cứu trợ nhân đạo. 46 công dân nước này đang bị phiến quân cầm giữ ở Mosul (Iraq). 20.000 đến 31.500 quân là số liệu mới cập nhật về quân số của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria theo công bố ngày 11-9 của CIA. Số liệu trước kia chỉ ghi nhận 10.000 quân. Chính phủ Syria không đồng ý thì mọi hành động dưới bất kỳ hình thức nào đều là xâm lược Syria. Phải có hợp tác với Syria, điều phối với Syria và Syria đồng ý. Bộ trưởng Hòa giải dân tộc ALI HAIDAR (Syria) |