Anh 'rục rịch' đưa quân tới Iraq?

Triển vọng về một hành động quân sự của Anh chống lại Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng (IS) ngày càng gần hơn khi Thủ Tướng Anh David Cameron lên án vụ hành hình nhân viên cứu trợ người Anh David Haines hôm Chủ Nhật.

Liên minh hùng mạnh chống IS

Nguồn tin từ các nhà ngoại giao phương Tây cho biết một số quốc gia Ả Rập cũng đã đề nghị được tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu trong khi ông David Cameron đã “sẵn sàng có những hành động đáp trả cần thiết” để đối phó với Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng (IS).

 Quân đội Anh từng chiến đấu ở Afghanistan và Iraq (Ảnh: AP)

Ông Cameron phát biểu tại Hội nghị: “Chúng tôi là một dân tộc yêu hòa bình, chúng tôi không thích chiến tranh. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng, đây (IS) là mối đe dọa cho công dân Anh cũng như những đồng minh của vương Quốc Anh. Chúng ta không thể tiếp tục làm lơ trước hiểm họa này nữa, nếu muốn giữ cho thế giới này an toàn, chúng ta phải đối mặt với nó”.

Vẫn chưa có quốc gia Ả Rập nào công khai tham gia vào các hành động quân sự, nhưng các máy bay chiến đấu của Arab Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) được cho là đã tham gia ném bom lực lượng IS từ các căn cứ không quân ở Ai Cập.

Một nguồn tin cấp cao cho phóng viên của tờ Guardian biết Arab Saudi cảm thấy bị đe dọa bởi sự bành trướng của IS và sẵn sằng đóng vai trò tiền tuyến trong liên minh tiêu diệt tổ chức này của Mỹ, giống như họ đã từng làm trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và chiến tranh Iraq năm 2003. Trong cả 2 cuộc chiến trước, Riyadh (thủ đô Arab Saudi) đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng căn cứ không quân của mình.

 Thủ tướng Anh David Cameron phải đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn đưa quân đội Anh trở lại Trung Đông (Ảnh: The Guardians)

Trong khi đó Thủ Tướng Úc Tony Abbott cũng hứa sẽ cung cấp 600 binh sĩ và 8 máy bay chiến đấu cho lực lượng liên minh.

Hơn 40 quốc gia đã đồng ý tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu nhưng không phải nước nào cũng đồng ý sẵn sàng góp mặt trong các hoạt động quân sự trực tiếp. Sự tham gia của các nước Ả Rập vào các chiến dịch quân sự sẽ tạo thêm nhiều niềm tin vào tính hợp pháp của liên minh này.

London cân nhắc khả năng mở rộng chiến dịch

Bộ trưởng ngoại giao Anh, Philip Hammond, cùng với Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại Trưởng Iraq, các nước Ả Rập và phương Tây đã có mặt tại hội nghị Paris để thống nhất các phương pháp hỗ trợ chính phủ Baghdad trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến, Ông John Kerry "cực kỳ khuyến khích" các cam kết xây dựng một liên minh rộng lớn chống lại Nhà Nước Hồi Giáo Tự Xưng (IS).

Mặc dù cả Mỹ và Anh đều tuyên bố không có kế hoạch tiến hành các chiến dich trên bộ nhưng ông Cameron nói bóng gió rằng nước Anh chuẩn bị tham gia vào một chiến dịch “rộng lớn” hơn cùng với Mỹ nhằm tiêu diệt tận gốc IS.

Các chuyên gia cho rằng ông Cameron đang phải chịu nhiều sức ép từ phe Diều Hâu trong nội bộ Đảng Bảo Thủ, bao gồm cựu bộ trưởng bộ quốc phòng Liam Fox, người đang đẩy mạnh sự tham gia của Anh vào các cuộc không kích ở Iraq. Trong khi đó “Chúa Tể” Dannatt Đại Tướng Nguyên Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoàng Gia Anh cảnh báo rằng sức mạnh của IS sẽ rất khó lường nếu chính phủ không có những hành động cứng rắn và kịp thời nhằm tiêu diệt tổ chức này. Do đó một chiến dịch mạnh mẽ trên bộ dường như sẽ không bị loại trừ.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ vẫn không muốn Anh tham gia vào cuộc chiến tại Iraq. Đảng Bảo Thủ thì lo sợ ông Cameron sẽ thất bại trong cuộc bỏ phiếu về chiến dịch chống lại IS giống như việc không kích Syria năm ngoái. Dù vậy, tình hình năm nay có lẽ đã khác khi phần lớn các nghị sĩ bỏ phiếu chống chiến dịch ở Syria năm ngoái đã ủng hộ cuộc chiến với IS.

 Không loại trừ quân đội Hoàng Gia Anh sẽ quay trở lại Iraq (Ảnh: Daily mail)

Trong khi một chiến dịch không kích ở Iraq có thể giành được sự ủng hộ của quốc hội thì với Syria, dường như vẫn còn nhiều khúc mắc.

Một nghị sĩ nói với phóng viên tờ The Guardians: “Không kích Syria sẽ là bất hợp pháp nếu không có yêu cầu giúp đỡ từ chính phủ Bassar Al-Assad, và có vẻ như phương Tây cũng khó nhận được một yêu cầu như vậy. Cuộc tấn công có thể được giải thích như một hành động nhân đạo, bảo vệ công lý và chính phủ Anh phải cam kết nó phù hợp với luật pháp quốc tế. Hơn hết, nó cần được sự cho phép của Liên Hiệp Quốc và Hội Đồng Bảo An”.

 

Theo chính phủ Anh, 700 chiến binh IS người Pháp đang ở Syria ; 400 từ Đức; từ 300 đến 500 từ Bỉ; 130 từ Hà Lan; hơn 100 từ Đan Mạch; 100 từ Áo; 80 từ Thụy Điển; và từ 50 đến 100 từ Tây Ban Nha.

Chính phủ Anh cũng ước tính rằng 100 người Canada đã rời Canada để "hỗ trợ hoặc huấn luyện với các phong trào khủng bố ở nước ngoài. Phần lớn trong số này là có khả năng đang ở Syria." . 60 người Úc cũng được cho là đang chiến đấu ở Syria và Iraq cùng với khoảng 100 Úc  đang xây dựng lực lượng IS ở Châu Đại Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm