Nga trục xuất thêm 50 nhà ngoại giao Anh

Đối đầu ngoại giao giữa Nga với Anh cùng phương Tây đang ngày một căng thẳng. Chính phủ Nga ngày 31-3 đã triệu tập Đại sứ Anh Laurie Bristow và thông báo chính phủ London có một tháng để rút các nhà ngoại giao về nước sao cho số nhà ngoại giao của Anh tại Nga bằng đúng số nhà ngoại giao Nga tại Anh. Trong khi đó, đội ngũ cố vấn Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây sức ép để Washington có chính sách cứng rắn hơn với Nga.

Nga muốn công bằng

Theo Reuters, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết thông điệp của Moscow là Anh phải cắt giảm thêm khoảng 50 nhà ngoại giao đang làm việc tại Nga. “Chúng tôi muốn sự công bằng. Người Anh đang có nhiều hơn 50 nhà ngoại giao so với người Nga” - bà Zakharova nói. Như vậy, tính ra Nga đã và sẽ trục xuất hơn 70 nhà ngoại giao Anh. Trước đó hai tuần, Nga đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh để trả đũa hành động tương tự của Anh.

“Nga không châm ngòi bất kỳ cuộc chiến tranh ngoại giao nào. Chưa bao giờ Nga khởi xướng các đòn trừng phạt qua lại” - ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định hôm 30-3. Ông Peskov thêm rằng Nga đã yêu cầu Cơ quan Giám sát vũ khí hóa học quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhóm họp vào tuần tới, buộc thực hiện cuộc điều tra “khách quan và không thiên vị” đối với vụ đầu độc ở Salisbury.

Trong một động thái khác, Đại sứ quán Nga tại Anh ngày 31-3 đã gửi một danh sách gồm 14 câu hỏi chất vấn tới Bộ Ngoại giao Anh. Phía Nga đề nghị chính phủ Anh giải đáp chi tiết cuộc điều tra vụ cựu điệp viên hai mang Sergey Skripal và con gái bị đầu độc ở Salisbury ngày 4-3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS

Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Nga?

Sau gần hai tuần căng thẳng ngoại giao leo thang giữa Nga và phương Tây, đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép lên nhà lãnh đạo nước Mỹ với hy vọng Washington sẽ có hành động cứng rắn hơn với Nga, theo New York Times. Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh tầm quan trọng về duy trì các kênh đối thoại với Nga và nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Tuy nhiên, việc các nước trục xuất ồ ạt các nhà ngoại giao có lẽ sẽ khiến quan điểm này của ông khó được duy trì.

14.000 nhân viên đến từ 150 quốc gia được Văn phòng Đối ngoại và thịnh vượng chung (FCO) bố trí khắp thế giới. 1/3 số đó là nhân viên người Anh. FCO có mạng lưới gồm 270 văn phòng quốc vụ khanh trên 160 quốc gia. Chưa rõ số nhà ngoại giao Anh mà Moscow muốn cắt giảm tại Nga có bao gồm luôn cả các nhân viên trong khuôn khổ FCO hay không. 

Giới chức Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Trump trong vài tuần qua đã bắt đầu có những thay đổi trong chính sách tiếp cận Nga. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nhận định một năm nỗ lực hợp tác với Nga đã không mang lại thành công, nguồn tin thân cận với ông Tillerson trả lời Reuters. Ông Tillerson vì thế đã bắt đầu xây dựng một nền tảng chính sách cứng rắn hơn với Nga và tìm cách để người kế nhiệm và Nhà Trắng tán đồng. Dễ nhận ra sự thay đổi đó với việc chính phủ ông Trump công khai đổ lỗi Nga tấn công máy tính ở Ukraine và những nơi khác, tố cáo có nhân tố Nga phá hoại mạng lưới điện của Mỹ.

Các cố vấn nhận thấy một mặt ông Trump đồng ý Nga là quốc gia nguy hiểm nhưng mặt khác ông lại tỏ ra lưỡng lự, không muốn ra mặt đối đầu Nga và cũng có vẻ chưa rõ nên đi xa đến đâu trong chuyện này, theo Reuters. Trước các vòng trả đũa ngoại giao, ông chủ Nhà Trắng vẫn giữ im lặng dù nhiều nhà lãnh đạo phương Tây có lên tiếng chỉ trích Nga. Trong cuộc gọi cho Tổng thống Putin hôm 20-3, ông Trump không hề đề cập vụ đầu độc ông Skripal, thay vào đó ông bày tỏ mong muốn về một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga, hãng tin Reuters tiết lộ.

Trong khi đó, một số quan chức Lầu Năm Góc tỏ ra thận trọng về xung đột đang leo thang với Nga, viện dẫn các hậu quả ở Syria, nơi Mỹ và Nga can thiệp quân sự. “Hai bên đã “mất” đi đôi mắt và đôi tai của họ, vì vậy chất lượng báo cáo tình báo sẽ giảm sút. Không chỉ riêng báo cáo tình báo mà còn cả những thông tin hằng ngày về chính trị và kinh tế” - Charles A. Kupchan, giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia về châu Âu dưới thời Tổng thống Barack Obama, bình luận về vụ trục xuất nhà ngoại giao mới đây giữa hai nước.

Nga sẽ được tiếp cận Yulia Skripal

Chính phủ Anh đang cân nhắc cho phép nhân viên đại sứ quán Nga thăm Yulia Skripal - con gái cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal. “Chúng tôi đang cân nhắc các yêu cầu tiếp cận lãnh sự phù hợp với những nghĩa vụ của chúng tôi thể theo luật pháp quốc tế và nội địa, trong đó bao gồm cả quyền lợi cũng như mong muốn của cô Yulia Skripal” - Reuters dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh hôm 31-3. Đại sứ quán Nga ở London hôm 30-3 có viết trên Twitter rằng họ hoàn toàn có quyền được gặp cô Skripal vì cô là một công dân Nga. Sergey Skripal - cựu điệp viên hai mang người Nga và con gái Yulia là hai nạn nhân trong vụ tấn công bằng chất độc thần kinh hồi đầu tháng 3 ở Salisbury (Anh). Yulia Skripal, 33 tuổi, được cho là đang dần hồi phục sau vụ đầu độc.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Nga đã ra thông cáo cảnh báo công dân mình có thể gặp phải tình cảnh bị “nhét đồ vật lạ” vào hành lý khi đến Anh. Đại sứ quán Nga hôm 30-3 cảnh báo về “hành vi mang tính khiêu khích” mới này trên cổng thông tin điện tử. Thông cáo nhấn mạnh sự cảnh báo này là cần thiết vì “chính sách chống Nga, những lời lẽ đe dọa cùng những hành động công kích của Anh nhắm vào các cá nhân và các pháp nhân của Nga đang gia tăng”.          

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới