Nga, Trung Quốc giải trình việc phủ quyết trừng phạt Triều Tiên

(PLO)- Lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp nghe thành viên thường trực Hội đồng Bảo an giải thích lý do mình dùng quyền phủ quyết, với việc Nga và Trung Quốc giải trình lý do phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ra nghị quyết rằng cơ quan này có quyền họp kêu gọi các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ giải thích lý do mình dùng quyền phủ quyết trong khuôn khổ HĐBA.

Phải giải trình khi dùng quyền phủ quyết

Ngày 9-6, lần đầu tiên Đại hội đồng họp nghe Nga và Trung Quốc (TQ) giải thích tại sao phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên hồi tháng trước.

“Chưa bao giờ nhu cầu đổi mới LHQ để tổ chức này đảm bảo vai trò trung tâm và tiếng nói lại mạnh mẽ như lúc này” - Đại sứ Liechtenstein tại LHQ Christian Wenaweser nhận định khi giới thiệu nghị quyết trước Đại hội đồng LHQ cuối tháng 4.

Giải thích trước Đại hội đồng, Phó Đại sứ Nga Anna Evstigneeva cho rằng “bất kỳ ai quan tâm nghiêm túc đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên lâu nay đều hiểu rằng sẽ là vô ích khi mong đợi Bình Nhưỡng giải giáp vô điều kiện trước mối đe dọa từ vòng xoáy trừng phạt và việc thành lập các khối quân sự mới trong khu vực”. Bà Evstigneeva cũng chỉ trích rằng các nước phương Tây “không có bất kỳ phản ứng nào đối với các tình huống khủng hoảng, ngoài việc đưa ra các biện pháp trừng phạt”.

Phần mình, Đại sứ TQ tại LHQ Trương Quân nói rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là kết quả của “sự lật ngược các chính sách của Mỹ”. Quan điểm của TQ là “tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ chỉ khiến khả năng đạt được giải pháp chính trị càng trở nên xa vời hơn”.

Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Jeffrey DeLaurentis đánh giá rằng những lời giải thích của Nga và TQ là “không đủ, không đáng tin cậy và không thuyết phục”, sự phủ quyết của Nga và TQ “không phục vụ an ninh và an toàn tập thể”.

141 nước thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu áp đảo vào đầu tháng 3 thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, song nghị quyết không mang tính ràng buộc này chỉ là một thông điệp mang tính biểu tượng. Ảnh: AP

141 nước thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu áp đảo vào đầu tháng 3 thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, song nghị quyết không mang tính ràng buộc này chỉ là một thông điệp mang tính biểu tượng. Ảnh: AP

Liệu nghị quyết Đại hội đồng sẽ tạo ra sự khác biệt?

HĐBA bao gồm 15 thành viên: Năm nước thường trực (TQ, Nga, Pháp, Mỹ và Anh, hay còn được gọi là P5) với quyền phủ quyết và 10 nước không thường trực, phục vụ trong nhiệm kỳ luân phiên hai năm.

Theo tờ New Strait Times, không thể phủ nhận thực tế rằng nghị quyết của Đại hội đồng là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường vai trò của Đại hội đồng và đảm bảo trách nhiệm giải trình cao hơn của HĐBA. Đáng tiếc, dù nghị quyết của Đại hội đồng có vẻ là một chiến thắng trong việc làm cho HĐBA có trách nhiệm và minh bạch hơn nhưng về cơ bản, nó không thay đổi được bất cứ điều gì. Nói cách khác, nghị quyết này không trao cho Đại hội đồng bất kỳ quyền nào để điều chỉnh việc P5 sử dụng quyền phủ quyết trong HĐBA.

Theo dữ liệu từ Thư viện Dag Hammarskjöld (thuộc LHQ), quyền phủ quyết đã được các nước P5 sử dụng gần 300 lần kể từ năm 1946. Tính đến tháng 2 năm nay, Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là bên sử dụng quyền phủ quyết thường xuyên nhất (120 lần), tiếp theo là Mỹ (82 lần). Nước sử dụng thường xuyên thứ ba là TQ (13 lần kể từ năm 1990 đến nay). Pháp và Anh không chính thức sử dụng quyền phủ quyết của mình kể từ năm 1989. Theo báo cáo của HĐBA, P5 sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì nguyên lý chính sách đối ngoại của mình, hoặc trong một số trường hợp để thúc đẩy một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia mình.

Thường thì khi dùng quyền phủ quyết, một thành viên P5 có giải thích công khai trong khuôn khổ HĐBA tại sao mình làm thế và đều có khả năng bảo vệ công khai việc sử dụng quyền phủ quyết của mình, ngay cả khi nó gây tranh cãi. Việc cung cấp lời giải thích tương tự cho các thành viên Đại hội đồng là vô nghĩa và sẽ không có tác dụng răn đe.

Một điều nữa, khác với các nghị quyết có tính ràng buộc của HĐBA, các nghị quyết của Đại hội đồng thường được coi là không có tính ràng buộc. Vì thế, Đại hội đồng ít nhất tới thời điểm này vẫn không thể và không điều chỉnh được việc sử dụng quyền phủ quyết của các nước P5.•

“Quyền phủ quyết phải đi kèm với trách nhiệm”

Nghị quyết có tiêu đề “Ủy quyền thường trực cho một cuộc tranh luận tại Đại hội đồng khi một quyền phủ quyết được đưa ra tại HĐBA” được Liechtenstein soạn thảo đệ trình và được sự ủng hộ của 83 nước thành viên, trong đó có ba thành viên thường trực HĐBA - Pháp, Anh và Mỹ. Hai thành viên TQ và Nga không ủng hộ.

Chủ tịch Đại hội đồng có quyền triệu tập cuộc họp chính thức trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi xảy ra sự việc một hoặc nhiều hơn thành viên thường trực HĐBA sử dụng quyền phủ quyết, để nghe các nước đã dùng quyền phủ quyết giải thích quyết định của mình và tranh luận về tình huống mà quyền phủ quyết được đưa ra.

Khi giới thiệu nghị quyết trước Đại hội đồng cuối tháng 4, Đại sứ Liechtenstein tại LHQ Christian Wenaweser lưu ý rằng quyền phủ quyết phải đi kèm với trách nhiệm làm việc để đạt được “các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ tại mọi thời điểm”. Lý do, tất cả các nước thành viên đã giao cho HĐBA trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và đồng ý rằng HĐBA hành động thay mặt họ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm