Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 10-7, lãnh đạo các nước thành viên của khối này ra tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề then chốt. Trong đó cuộc xung đột Nga-Ukraine gần như là nội dung được đề cập nhiều nhất.
Nga, Trung Quốc phản ứng mạnh
Ngày 11-7, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng tuyên bố chung của các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Mỹ hôm 10-7 cho thấy phương Tây không ủng hộ đối thoại và bản thân liên minh này là một công cụ đối đầu, theo hãng thông tấn TASS.
“Chúng tôi thấy rằng các đối thủ của chúng tôi ở châu Âu và Mỹ không ủng hộ đối thoại. Xét theo các tài liệu được ký tại hội nghị thượng đỉnh NATO, họ không phải là những người ủng hộ hòa bình” - ông Peskov nói, thêm rằng NATO “là một công cụ để đối đầu chứ không phải là một công cụ cung cấp an ninh”.
Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng tuyên bố chung của NATO sẽ đòi hỏi một “phản ứng thận trọng, phối hợp và hiệu quả” từ Moscow để “kiềm chế” khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Ông Peskov cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách Nga đang xem xét điều chỉnh học thuyết hạt nhân của nước này nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng với NATO, theo đài RT.
Theo ông Peskov, “công việc về học thuyết hạt nhân đang được tiến hành, những cuộc thảo luận có sự tham gia của các chuyên gia thực sự đang diễn ra”.
Ông Peskov nói thêm rằng vũ khí hạt nhân không phải là biện pháp răn đe duy nhất mà Nga có thể sử dụng.
Về phía Trung Quốc, ngày 11-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Bắc Kinh lên án và phản đối mạnh mẽ tuyên bố chung thượng đỉnh NATO, nói rằng tài liệu này làm gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chứa đầy những nhận xét hiếu chiến mang tâm lý Chiến tranh Lạnh, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Ông Lâm cũng lên án nội dung về Trung Quốc nêu trong tuyên bố chung “chứa đầy thành kiến, bôi nhọ và khiêu khích”.
Về vấn đề Ukraine, ông Lâm nói rằng việc NATO khẳng định Trung Quốc phải chịu trách nhiệm có động cơ xấu và vô nghĩa, nói thêm rằng quan điểm khách quan và công bằng của Trung Quốc đối với Ukraine cũng như vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
“Trung Quốc kêu gọi NATO từ bỏ các khái niệm lỗi thời về tâm lý Chiến tranh Lạnh, đối đầu phe phái và trò chơi có tổng bằng không, sửa chữa những hiểu biết sai lầm về Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bôi xấu hình ảnh của Trung Quốc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU), và không làm xáo trộn châu Á-Thái Bình Dương sau khi làm xáo trộn châu Âu” - ông Lâm nhấn mạnh.
Tuyên bố chung thượng đỉnh NATO nói rằng Nga vẫn là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của NATO" cũng như lên án các tuyên bố "vô trách nhiệm” của Nga liên quan vũ khí hạt nhân cũng như động thái Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus".
Tuy nhiên, NATO lưu ý khối này vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Moscow để "giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn leo thang".
Các nước NATO cũng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ “không giới hạn" của Trung Quốc và Nga, tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh “hỗ trợ quy mô lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow”. Theo NATO, Trung Quốc đã chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng cho Nga, chẳng hạn như các thành phần vũ khí, thiết bị và nguyên liệu thô dùng trong sản xuất quân sự.
Nội dung tuyên bố chung NATO
Trước hết, tuyên bố chung 38 điểm của NATO khẳng định tình đoàn kết giữa các thành viên trong khối, đồng thời nhấn mạnh đây vẫn là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương duy nhất, thiết yếu và không thể thiếu để tham vấn, điều phối và hành động về mọi vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu.
Khối quân sự này cam kết tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi là răn đe và phòng thủ, ngăn chặn và quản lý khủng hoảng, và hợp tác an ninh.
Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh châu Âu, trong đó việc phát triển các năng lực phòng thủ hoạt động trơn tru, có khả năng tương tác cũng như tránh sự trùng lặp không cần thiết là chìa khóa để làm cho khu vực châu Âu - Đại Tây Dương trở nên an toàn hơn.
Tuyên bố cho biết liên minh sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa và khả năng phòng thủ tích hợp để có thể ngăn chặn mọi mối đe dọa trên không nhằm vào khu vực. NATO cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của các nhiệm vụ răn đe hạt nhân.
Đề cập chiến sự Nga-Ukraine, tuyên bố chung thượng đỉnh NATO cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và làm suy yếu nghiêm trọng an ninh toàn cầu.
Về Ukraine, NATO cho biết khối này dự định viện trợ Ukraine 40 tỉ euro trong năm tới và cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev trên chặng đường không thể đảo ngược hướng tới hội nhập khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm quy chế thành viên của NATO.
NATO cũng công bố thành lập Cơ quan Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine (NSATU) để điều phối việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine mà các đồng minh cùng đối tác thực hiện. Mục đích của cơ quan này là “đặt hỗ trợ an ninh cho Ukraine trên một nền tảng lâu dài, đảm bảo sự hỗ trợ được tăng cường, có thể tiên liệu và nhất quán”.
“NSATU sẽ hoạt động ở các quốc gia đồng minh và sẽ hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. NSATU sẽ hoạt động theo luật pháp quốc tế và sẽ không biến NATO thành một bên trong cuộc xung đột” - theo tuyên bố chung thượng đỉnh NATO.
Ngoài ra, NATO cũng thông báo thành lập Trung tâm Giáo dục, Đào tạo và Phân tích chung NATO-Ukraine (JATEC) nhằm xác định và áp dụng các bài học từ cuộc chiến ở Ukraine và tăng cường khả năng tương tác của Ukraine với NATO.
Tuyên bố chung thượng đỉnh NATO cũng đề cập tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với NATO, đồng thời cho biết những diễn biến ở khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh châu Âu - Đại Tây Dương.
“Nga vẫn là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của NATO. Tại thượng đỉnh năm nay, chúng tôi đang thực hiện các bước tiếp theo để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ, tăng cường hỗ trợ lâu dài cho Ukraine để nước này có thể thắng thế trong cuộc chiến [với Nga] và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của NATO” - theo tuyên bố chung thượng đỉnh NATO.
NATO cũng lên án các tuyên bố "vô trách nhiệm” của Nga liên quan vũ khí hạt nhân cũng như động thái Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus". Tuy nhiên, NATO lưu ý khối này vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Moscow để "giảm thiểu rủi ro và ngăn chặn leo thang".
Các nước NATO cũng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ “không giới hạn" của Trung Quốc và Nga, tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh “hỗ trợ quy mô lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow”. Theo NATO, Trung Quốc đã chuyển giao các vật liệu lưỡng dụng cho Nga, chẳng hạn như các thành phần vũ khí, thiết bị và nguyên liệu thô dùng trong sản xuất quân sự.
Ngoài ra, phía NATO còn lưu ý rằng Trung Quốc tiếp tục đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương, đặc biệt là các mối lo ngại về an ninh mạng.