Theo thông tin từ truyền thông Mỹ đầu năm 2024, trong một cuộc gặp vào năm 2020 ông Donald Trump khi đó là tổng thống Mỹ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen liên quan Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo tờ The New York Times, ông Trump đã nói với bà von der Leyen rằng: "Các đồng minh NATO ở châu Âu đang nợ Mỹ một khoản tiền khổng lồ do không chi đủ cho quốc phòng. Nếu họ không chịu chi 2% GDP cho quốc phòng như đã cam kết, Mỹ sẽ không ra tay bảo vệ khi họ bị tấn công. NATO đang trút những hơi thở cuối cùng, và Mỹ có thể sẽ rời liên minh NATO nếu tôi quay lại Nhà Trắng".
Thông tin này khiến nhiều người tin rằng ông Trump có thể sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu ông tái đắc cử. Tuy nhiên, mới đây tờ The Conversation dẫn nhận định từ giới quan sát rằng trái với những đồn đoán trước đó, ông Trump sẽ không rút Mỹ khỏi NATO vì có vẻ như ông đã có những chiến lược mới với liên minh quân sự này.
Mỹ muốn rời NATO, khó hay dễ?
The Conversation dẫn lời ông Klaus Larres - GS Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại ĐH North Carolina (Mỹ) - cho rằng việc rút Mỹ khỏi NATO không những không mang lại lợi ích mà còn có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho nước Mỹ. Ông Larres đưa ra nhiều lý do để giải thích cho nhận định của mình.
Thứ nhất, về mặt quân sự, NATO là một liên minh phòng thủ tập thể mạnh mẽ, có khả năng giúp Washington ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài. Rời khỏi NATO đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ mất đi mạng lưới an ninh rộng lớn, cũng như mất một lực lượng quân sự đáng kể có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ và ngăn chặn sự "bành trướng" của các thế lực đối trọng trên trường quốc tế.
Thứ hai, NATO mang lại cho Mỹ những lợi ích kinh tế quan trọng. Mỹ có quan hệ kinh tế chặt chẽ và lâu đời với các nước thành viên NATO, đặc biệt là các nước châu Âu. Rời khỏi NATO sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với các đối tác truyền thống này. Hơn nữa, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự lớn cho các nước NATO. Việc rời khỏi liên minh sẽ làm giảm đáng kể doanh thu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Thứ ba, NATO mang lại nhiều lợi ích chính trị quan trọng cho Mỹ, giúp Washington củng cố uy tín, tầm ảnh hưởng và sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Trong hơn 70 năm lãnh đạo NATO, Mỹ đã thiết lập quan hệ đồng minh sâu sắc với nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Âu. Việc rời khỏi NATO sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ truyền thống này, thậm chí làm suy yếu lòng tin của các đồng minh đối với Mỹ.
Cuối cùng, việc Mỹ rời NATO sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong quan hệ quốc tế và thế giới địa chính trị đa cực. Các đồng minh của Mỹ có thể tìm kiếm những đối tác an ninh khác, làm lung lay vị thế của Mỹ trên trường quốc tế.
"Việc rời khỏi NATO không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước Mỹ mà còn tác động sâu sắc đến cộng đồng quốc tế và sự ổn định toàn cầu” - ông Simon Smith, PGS về An ninh và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Staffordshire (Anh), nhận định.
Hé lộ chiến lược của ông Trump về NATO...
Tờ Politico dẫn nhận định giới quan sát rằng dù những chiến lược của ông Trump về NATO vẫn chưa thật sự rõ ràng nhưng điều chắc chắn rằng ông Trump sẽ thực hiện là tiếp tục gây áp lực buộc các đồng minh NATO phải đạt mục tiêu “chi 2% GDP cho quốc phòng”.
Politico dẫn báo cáo Chi tiêu Quốc phòng các nước NATO, cho biết trong 75 năm qua, Mỹ đã đóng góp gần 22.000 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng của liên minh. Riêng năm 2023, con số này là hơn 860 tỉ USD (chiếm gần 70% tổng ngân sách quốc phòng NATO), trong khi các đồng minh châu Âu đóng góp 375,1 tỉ USD (khoảng 30% tổng ngân sách).
Ông Keith Kellogg, quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Trump, nhận định rằng nếu quay lại Nhà Trắng ông Trump có thể triển khai ý tưởng "Hệ thống an ninh NATO hai cấp".
Theo đó, các quốc gia thành viên NATO không đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng sẽ không được hưởng đầy đủ sự hỗ trợ quốc phòng và đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Ý tưởng này dường như mâu thuẫn với Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, quy định rằng các thành viên trong khối phải có hành động cần thiết để hỗ trợ đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Tuy nhiên, theo Politico, nhóm cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Trump lại cho rằng ngôn từ trong trong Điều 5 không quy định rằng các thành viên phải đáp trả bằng biện pháp quân sự khi một đồng minh bị tấn công.
Ngoài ra, Politico còn cho rằng nếu quay lại Nhà Trắng, ông Trump có thể sẽ cân nhắc việc đàm phán một thỏa thuận chiến lược với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thỏa thuận này sẽ bao gồm cam kết của NATO về việc không mở rộng thêm về phía Đông, đổi lại Nga phải đưa ra những cam kết an ninh cụ thể với Ukraine.
Mục đích của thỏa thuận này là tạo tiền đề kết thúc cuộc xung đột Moscow-Kiev. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ nhượng bộ những khả năng khác, bao gồm cả việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine.
The Conversation dẫn lời ông Kenton White - GS nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Reading (Anh), nhận định rằng hiện tại chưa rõ chiến lược của ông Trump về NATO là thế nào. Tuy nhiên, những đồn đoán xuất hiện gần đây đã gây tâm lý bất ổn và lo lắng cho các nước châu Âu về vai trò lãnh đạo của Mỹ với NATO trong tương lai gần.