Nga - Ukraine bận rộn với các chuyến thăm từ Mỹ, Trung Quốc

(PLO)- Việc Mỹ, Trung Quốc cùng lúc thăm Kiev, Moscow trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tròn một năm gây chú ý lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến Kiev vào sáng 20-2. Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) Vương Nghị sẽ đến Moscow vào tuần này trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu kéo dài tám ngày, theo đài CNN.

Tổng thống Biden đã sang Ba Lan ngay đầu giờ chiều 20-2 sau chuyến thăm chóng vánh Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, công bố gói viện trợ mới hơn 500 triệu USD và cam kết “ủng hộ vững chắc” Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Trong khi đó, theo nguồn tin của hãng thông tấn TASS (Nga) thì ông Vương dự kiến sẽ đến Moscow vào chiều 21-2 (giờ địa phương).

Việc Mỹ và TQ cùng lúc thăm Kiev, Moscow trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tròn một năm gây chú ý lớn với giới quan sát.

Nỗ lực cân bằng ngoại giao của TQ

Quan hệ giữa TQ và Nga vẫn thân thiết kể từ khi các nhà lãnh đạo tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” một năm trước, mà theo CNN một phần do sự đối đầu chung với Mỹ. Điện Kremlin cho biết ông Vương khả năng sẽ hội kiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Chương trình nghị sự là rõ ràng và rất bao quát. Chúng tôi có rất nhiều điều để nói” - hãng Interfax dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo ngày 20-2, liên quan chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Moscow.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao TQ, chuyến thăm Nga của ông Vương sẽ tạo cơ hội để TQ và Nga tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược và “trao đổi quan điểm” về “các vấn đề điểm nóng quốc tế và khu vực cùng quan tâm” - một cụm từ thường được sử dụng để ám chỉ các chủ đề bao gồm cả xung đột ở Ukraine.

“TQ sẵn sàng xem chuyến thăm này là cơ hội và hợp tác với Nga để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững theo hướng mà lãnh đạo hai nước đã xác định, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên và đóng vai trò tích cực đối với hòa bình thế giới” - thông báo nêu rõ.

Chuyến thăm của ông Vương cũng có thể mở đường cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow vào cuối năm nay. Ông Putin đã gửi lời mời tới ông Tập trong cuộc điện đàm cuối năm ngoái theo thông lệ giữa hai nhà lãnh đạo nhưng Bộ Ngoại giao TQ vẫn chưa xác nhận bất kỳ kế hoạch nào.

Chuyến công du theo kế hoạch của ông Vương tới Moscow là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao TQ đến Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Theo thông tin của hãng Reuters nắm được thì khả năng ông Vương sẽ thảo luận về cuộc chiến Ukraine trong chuyến thăm Moscow. Giới quan sát nhận định chuyến công du của ông Vương đến châu Âu tập trung vào nỗ lực cân bằng ngoại giao của TQ kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine một năm trước.

Tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 18-2, ông Vương dành nhiều lời khẳng định cam kết thúc đẩy hòa bình của TQ trong xung đột Nga - Ukraine, thông báo về kế hoạch của Bắc Kinh đưa ra đề xuất về một “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” vào dịp đánh dấu một năm chiến sự.

Tại Budapest (Hungary) ngày 20-2, ông Vương cho biết TQ sẽ “sẵn lòng hợp tác với các quốc gia yêu chuộng hòa bình khác để chấm dứt các hành động thù địch hiện tại càng sớm càng tốt”. Song theo CNN, nhiều lãnh đạo phương Tây chưa cảm thấy thuyết phục. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nói với CNN rằng “chúng tôi cần thêm bằng chứng cho thấy TQ không hợp tác với Nga và hiện tại chúng tôi không thấy điều đó”.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hôm 18-2. Ảnh: AP

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich hôm 18-2. Ảnh: AP

Mỹ, TQ tranh cãi gắt chuyện Nga - Ukraine

Quan hệ giữa Mỹ và TQ tiếp tục đi xuống, gần đây nhất từ vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ bay vào không phận. Bối cảnh của hai chuyến đi của ông Biden và ông Vương diễn ra chỉ vài ngày trước ngày đánh dấu tròn một năm chiến sự (24-2-2022) càng nhấn mạnh khoảng cách giữa hai siêu cường thế giới, theo CNN.

Phía Mỹ cáo buộc rằng TQ đang xem xét tăng cường quan hệ đối tác với Moscow bằng cách cung cấp cho quân đội Nga “sự hỗ trợ sát thương” để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine. Cuối tuần rồi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói đang theo dõi sát sao mọi động thái của TQ liên quan đến việc này. Trong cuộc gặp với ông Vương ở Munich, ông Blinken cũng nêu vấn đề này, cảnh báo về “những tác động và hậu quả của nó”.

Trả lời phỏng vấn đài CBS ngày 19-2, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh nếu TQ hay bất kỳ quốc gia nào khác cân nhắc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga bằng vũ khí sát thương thì hành động đó là vượt “lằn ranh đỏ” và không thể chấp nhận được.

Ủy viên chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng lên tiếng cảnh báo TQ không vượt “lằn ranh đỏ” và cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Ông Borrell cho biết điều này sẽ ảnh hưởng mạnh tới quan hệ giữa TQ và toàn khối.

Đáp trả, ngày 20-2, Bộ Ngoại giao TQ chỉ trích Mỹ “đẩy trách nhiệm, đổ lỗi và lan truyền thông tin sai lệch”. Theo Bộ Ngoại giao TQ, “chính phía Mỹ, chứ không phải phía TQ, mới cung cấp một lượng vũ khí ổn định cho chiến trường. Phía Mỹ không đủ tư cách để thuyết phục TQ và chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc Mỹ ra lệnh hoặc thậm chí gây áp lực lên quan hệ Trung - Nga”.

Không những chỉ trích việc các nước cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine, TQ còn chỉ trích việc phương Tây ra các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Bộ Ngoại giao TQ kêu gọi Mỹ nghiêm túc nỗ lực xoa dịu tình hình, thúc đẩy hòa bình và đối thoại.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm