Nga và Ukraine thi nhau triển khai vũ khí mồi nhử đánh lừa đối phương

(PLO)- Nga và Ukraine đang thi nhau triển khai vũ khí mồi nhử trên chiến trường nhằm thu hút hỏa lực, làm hao hụt đạn dược và phát hiện vị trí đối phương, nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn do sự phát triển của công nghệ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cả Nga và Ukraine đang thi nhau triển khai vũ khí mồi nhử trên chiến trường nhằm thu hút hỏa lực, làm hao hụt đạn dược và phát hiện ra vị trí của đối phương nhưng điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn do sự phát triển của công nghệ, theo trang Business Insider.

Giới chuyên gia nhận định cùng với sự phát triển của công nghệ sẽ có cuộc đua vũ khí mồi nhử. Công nghệ phát triển thúc đẩy các bên chế tạo vũ khí giả giống thật nhất có thể nhằm đánh lừa đối phương.

Cuộc đua vũ khí mồi nhử giữa Nga và Ukraine

Ông George Barros, người đứng đầu nhóm tình báo không gian địa lý đồng thời là chuyên gia về Nga tại tổ chức phi lợi nhuận Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ, chuyên nghiên cứu và phân tích về các vấn đề quốc phòng và đối ngoại) cho biết xe tăng và vũ khí giả vốn được sử dụng từ lâu trong chiến tranh. Với thực tế này cũng dễ hiểu khi Ukraine và Nga vào cuộc đua vũ khí mồi nhử trong bối cảnh xung đột tiếp diễn lâu dài.

huan-luyen-ukraine.jpg
Tiểu đoàn tinh nhuệ OPFOR của Ukraine di chuyển trong chiến hào khi tham gia khóa huấn luyện quân sự ở tỉnh Donetsk ngày 26-9. Ảnh: Getty Images

Một phần chức năng của vũ khí mồi nhử là gây nhầm lẫn và đánh lừa đối phương, khiến đối phương mất sức tấn công và phá hủy mục tiêu giả. Việc này sẽ làm hao hụt đạn dược của đối phương hoặc làm lãng phí UAV tấn công một chiều, gia tăng sức ép lên nguồn dự trữ và buộc các nhà máy phải tăng cường sản xuất để đáp ứng các nhu cầu.

Tháng trước, video do một máy bay không người lái (UAV) ghi lại cho thấy các xe tăng T-72 được bơm hơi của Nga xuất hiện trên một cánh đồng. Trước khi được các tài khoản thông tin nguồn mở đăng lên mạng xã hội, video này đã được một nhóm thuộc Lữ đoàn Cơ giới 116 của Ukraine đăng lần đầu tiên lên Telegram. Nhóm này cảnh báo lực lượng Ukraine nên thận trọng để không tiêu tốn đạn dược vào việc bắn mồi nhử một cách không cần thiết.

Dù đơn vị này có thể phân biệt được xe tăng thật và xe tăng giả thì cảnh báo trên Telegram cho thấy họ có thể chưa xác định ngay lập tức liệu có phải tất cả xe tăng đều là thật hay không.

Ngoài những xe tăng T-72 giả trong video trên, Nga cũng đã tạo ra các mục tiêu giả để lừa Ukraine lãng phí đạn dược và có thể cung cấp thông tin về vị trí của họ. Đây là một yếu tố của chiến thuật “maskirovka” hay còn gọi là ngụy trang.

Đầu năm nay, Ukraine ghi được cảnh các xe tăng có thể bơm phồng của Nga được triển khai gần tỉnh Zaporizhia. Phía Nga cũng đã triển khai hầu hết các máy bay chiến đấu MiG-31 giả, hệ thống tên lửa S-300 mồi nhử và thậm chí các trạm radar được ngụy trang. Đây là chiến thuật được Nga sử dụng từ lâu, ngay cả trước khi xung đột với Ukraine nổ ra.

decoy.jpg
Binh sĩ giả tại tỉnh Kharkiv (Ukraine). Ảnh: The EurAsian Times

Ukraine cũng đã đánh lừa lực lượng Nga bằng các mục tiêu giả. Chẳng hạn vào cuối năm ngoái, Ukraine bắt đầu đặt các Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) làm bằng gỗ trên chiến trường để thu hút hỏa lực của Nga.

Một quan chức cấp cao của Ukraine nói với báo The Washington Post rằng Nga đã lãng phí các tên lửa hành trình Kalibr có giá trị cao vào những mồi nhử này khi cố gắng phá hủy hệ thống pháo binh do Mỹ cung cấp. Các bộ phản xạ radar giả của Ukraine làm từ các thùng dầu được cắt ra cũng đã thu hút hỏa lực từ Nga.

Thách thức mới

Nhìn chung những chiến thuật này không phải mới. Việc sử dụng vũ khí mồi nhử trong chiến tranh đã có từ hàng ngàn năm trước trong nhiều cuộc xung đột. Lấy ví dụ thời hiện đại, các xe tăng làm bằng gỗ được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, hoặc các bệ phóng tên lửa di động Scud giả của Liên Xô được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ đã khiến việc đánh lừa trở nên khó khăn hơn. Các công nghệ hiện đại như UAV trinh sát với camera nhiệt hồng ngoại đồng nghĩa với việc một bên có thể dễ dàng phát hiện ra mục tiêu giả. Việc xe tăng không để lại vệt trên đường là điều bất thường. Và đối phương sẽ dễ dàng phát hiện mục tiêu trước mắt là lựu pháo giả nếu nó được đặt một mình trên cánh đồng thay vì một vị trí khai hỏa thực tế với ít nhất là có các thiết bị phòng thủ cơ bản xung quanh.

Anh-xe-tang-bom-phong-WW2.jpg
Quân Anh khiêng một xe tăng Sherman được bơm hơi vào vị trí trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Roger Viollet//Getty Images

Cả Nga và Ukraine đều đã chứng tỏ khả năng chế tạo các hệ thống vũ khí giả giống như thật, nhưng đồng thời cũng ngày càng cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu giả của đối phương. Chính vì thế, thách thức mới đặt ra là làm sao thiết kế các mồi nhử tinh vi hơn để trở nên giống thật hơn nữa.

Đã có những ví dụ thực tế về nỗ lực này của cả Nga và Ukraine. Trong video về xe tăng T-72 giả nói trên, dường như hai trong số những xe tăng giả này được bố trí gần một khu vực có nhiều bụi cây và được bao phủ trong những vật liệu ngụy trang. Điều này cho thấy mức độ chuẩn bị kỹ càng để biến mồi nhử trông giống thật hơn.

Trả lời báo The Wall Street Journal, một công ty Ukraine chuyên sản xuất lựu pháo giả, trạm radar giả và súng cối giả chất lượng cao nói rằng các mẫu nhái này hiện không có đủ và các xe tăng giả cần được phủ lưới và bao quanh nhờ các chiến hào để tạo ấn tượng chúng là thật.

“Các mồi nhử ngày càng tinh vi đang được sử dụng để đối phó các hệ thống vũ khí của đối phương” – chuyên gia Barros nhận xét. Ông nói thêm cái gọi là cuộc đua vũ khí mồi nhử đã có lịch sử lâu dài.

Với việc sử dụng UAV và công nghệ cảm biến ngày càng tăng, cả Nga lẫn Ukraine sẽ cần khôn ngoan hơn trong cách triển khai vũ khí mồi nhử trong khi theo dõi kỹ hơn đối phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm