Nga: Văn phòng đồng minh của ông Navalny bị ném hóa chất

Theo trang tin của đài truyền hình France 24, ngày 8-9, văn phòng phụ trách chiến dịch tranh cử của chính trị gia đối lập Sergei Boyko - một đồng minh của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny tại TP Novosibirsk thuộc vùng Siberia (Nga) vừa bị ném hóa chất.

Cụ thể, trong lúc khoảng 50 người đang họp ở văn phòng thì có hai kẻ lạ mặt đột nhập vào hội trường ném một chai chất lỏng hóa học. Đoạn phim của hệ thống máy quay giám sátan ninh được các đồng minh của ông Navalny chia sẻ cho thấy có hai người đàn ông trùm đầu chạy nhanh ra khỏi phòng họp.

Ông Boyko, người đang tranh cử vào Hội đồng TP Novosibirsk ở Siberia, nói không rõ hóa chất được ném vào văn phòng chiến dịch là gì nhưng cảnh sát cho rằng chất này không độc.

Nhóm vận động bầu cử của ông Boyko cho biết nó như một loại hóa chất ăn da và có mùi hôi.

Ông Ivan Jdanov, một trong 50 người đang họp trong phòng, mô tả: "Một 'mùi kinh tởm, nhức nhối' bao trùm căn phòng".

Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny tại cuộc biểu tình ở TP Moscow - Nga. Ảnh: REUTERS/Shamil Zhumatov

Vụ việc khiến một số người bị thương và nhập viện. 

"Ít nhất ba người đã được đưa đến bệnh viện" - ông Boyko trả lời báo chí.

Theo ông Boyko, các nhà hoạt động đã tụ tập để nghe một cuộc nói chuyện về cách giám sát các cuộc bầu cử.

Ông Navalny nhập viện hồi tháng 8 sau khi bất tỉnh trên máy bay từ vùng Siberia đến thủ đô Moscow, nơi ông gặp gỡ các đồng minh tranh cử.

Sau đó, ông Navalny được đưa tới một bệnh viện ở thủ đô Berlin - Đức, nơi các bác sĩ xác nhận ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Hôm 7-9, nhân vật đối lập này đã thoát khỏi tình trạng hôn mê.

Mặc dù vậy, Nga vẫn khẳng định họ không thấy bằng chứng ông bị đầu độc.

Người đứng đầu tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi sự hợp tác của Nga để điều tra vụ việc.

Đức đang tham vấn các đối tác châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) về cách ứng phó nếu Nga không giúp làm sáng tỏ những gì đã xảy ra với ông Navalny.

Tại cuộc họp của nhóm nghị sĩ bảo thủ hôm 8-9, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc lại lời kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) phản ứng với cuộc tấn công nhằm vào Navalny nhưng bà lại có quan điểm thận trọng đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord-Stream 2 từ Nga sang Đức và châu Âu.

Hôm 7-9, người phát ngôn của bà Merkel nói rằng bà không loại trừ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier vẫn để ngỏ khả năng áp dụng các lệnh trừng phạt Nga trong tương lai. Tuy nhiên, vào cuối ngày 7-9 ông lại cho rằng việc duy trì liên lạc thường hiệu quả hơn vì các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến tình hình chính trị căng thẳng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới