Ngắc ngoải chờ nhà trúng đấu giá

“Tôi mua đấu giá nhà đúng quy định, đã trả xong tiền tám tháng nay song không hiểu sao khi yêu cầu giao nhà, cơ quan thi hành án (THA) nói cứ… chờ. Tôi thấy rất vô lý vì THA đã làm hết các thủ tục cần thiết rồi mà sao lại không giao nhà cho tôi?” - ông Nguyễn Thái Bình thắc mắc.

Mua đấu giá xong nhưng hiện ông Bình vẫn chưa nhận được căn nhà 176/15 Lý Tự Trọng, quận 1 (TP.HCM). Ảnh: T.TÙNG

Bị thiệt dù mua nhà hợp pháp

Ông Bình cho biết trước đây vợ chồng ông Trần Văn Thông vay vốn của Ngân hàng TMCP Việt Á, tài sản thế chấp là căn nhà 176/15 Lý Tự Trọng, quận 1
(TP.HCM). Năm 2012, ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông Thông trả nợ và sau đó TAND quận 1 ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, bên vay sẽ trả nợ cho ngân hàng theo cam kết, nếu không ngân hàng sẽ phát mại ngôi nhà trên thu hồi nợ.

Do phía ông Thông vi phạm thỏa thuận nên ngân hàng đã yêu cầu và Chi cục THA dân sự quận 1 ra quyết định THA. Đầu năm 2013, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên ngôi nhà. Đến tháng 9-2013, ông Bình mua được ngôi nhà trên với giá hơn 5,4 tỉ đồng. Theo hợp đồng, ông Bình nhận được nhà trong vòng 30 ngày sau khi ông trả hết tiền (nếu phải cưỡng chế giao nhà thì gia hạn thêm nhưng cũng không quá 45 ngày). 18 ngày sau tức ngày 27-10-2014, ông Bình trả đủ tiền cho đơn vị bán đấu giá nhưng đến nay sau hơn nửa năm, ông vẫn chưa nhận được nhà.

Theo ông Bình, quá trình giải quyết việc giao nhà của THA quận 1 diễn ra khá chậm dù ông nhiều lần gặp chấp hành viên và có văn bản yêu cầu làm nhanh. Ông Bình nói: “Tôi thì như ngồi trên đống lửa vì không có chỗ ở và phải trả lãi tiền mua nhà, còn THA thì cứ lần lữa việc cưỡng chế với lý do là có khiếu nại của người phải THA… Việc chậm giao tài sản trên không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn khiến cuộc sống gia đình tôi bất ổn, trong khi chủ cũ vẫn vô tư sống trong nhà mà tôi bỏ tiền tỉ ra mua”.

Sắp cưỡng chế giao nhà

Ngày 13-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 1 (TP.HCM) Đỗ Mạnh Thủy cho biết ngày 26-3, chấp hành viên ra quyết định giao ngôi nhà cho ông Bình, ra thông báo gửi cho các bên sẽ tiến hành việc này vào sáng 7-4. Tuy nhiên, sau đó phía ông Thông không tự nguyện giao. Tổ công tác cũng chỉ có thể lập biên bản ghi nhận sự việc theo thẩm quyền.

“Trước sau chi cục đều thể hiện quan điểm rõ ràng là phải sớm giao tài sản là nhà, đất cho ông Bình. Song do một số trở ngại khách quan nên đến nay việc cưỡng chế giao nhà vẫn chưa xong.

Thứ nhất, phía người phải THA liên tục có khiếu nại liên quan đến thủ tục, quy trình xử lý tài sản và diện tích ngôi nhà cho rằng THA làm chưa khách quan, chính xác. Về nguyên tắc khi có khiếu nại của đương sự, THA phải có thời gian xác minh trả lời. Đến thời điểm này chúng tôi đã trả lời hết các khiếu nại của người phải THA theo hướng bác vì không có cơ sở.

Thứ hai, hiện THA đã ra quyết định cưỡng chế và lên kế hoạch cưỡng chế THA giao nhà nhưng theo quy định phải họp ban chỉ đạo THA quận để thông qua và chuẩn bị lực lượng. Tuy nhiên, cuộc họp ban chỉ đạo bị dời lại cho vấn đề thay đổi nhân sự tại UBND quận. Nhiều khả năng là trong tuần tới, Chi cục THA quận sẽ nhắc lại vụ việc và đề nghị ban chỉ đạo sẽ họp để thông qua kế hoạch cưỡng chế. Vụ việc này đã kéo dài và trải qua nhiều thủ tục liên quan, cơ quan THA sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất giao tài sản cho người trúng đấu giá” - ông Thủy nhấn mạnh.


Nhiều cơ quan yêu cầu làm đúng quy định

Ông Bình cho biết đã gửi khiếu nại đi khắp nơi yêu cầu được THA sớm có biện pháp cưỡng chế giao nhà cho ông theo quy định. Các cơ quan như Cục THA TP, VKSND TP, Trung tâm Bán đấu giá tài sản TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, Tổng cục THA (Bộ Tư pháp)… lần lượt chuyển đơn và yêu cầu Chi cục THA quận 1 sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đặc biệt ngày 16-4, Vụ 10 (VKSND Tối cao) đã có công văn gửi Chi cục THA quận 1 yêu cầu giao nhà cho ông Bình. Theo công văn, thời hạn giao nhà đã qua quá lâu nhưng Chi cục THA quận vẫn chưa giao nhà (dù quá trình bán đấu giá đúng pháp luật) là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Bình. Vụ 10 yêu cầu THA phải báo cáo kết quả giải quyết sớm nhất cho VKSND Tối cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm