“Ở nước ngoài bệnh nhân chỉ phải chờ đợi tối đa 15 phút, còn ở mình muốn khám bệnh nhiều người phải đi từ 3 giờ sáng rồi chờ đến 11 giờ”, đó là thực trạng được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu lên tại hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế” ngày 20-9.
Nhiều nơi đã triển khai
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hiện có 30 đơn vị y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, nổi bật nhất là Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TP.HCM, 35% giao dịch thanh toán viện phí của BV này không dùng tiền mặt.
Cũng theo ông Tường, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay có 14.000 cơ sở y tế đều có tài khoản ngân hàng, có khoảng 78 ngân hàng sẵn sàng cung cấp dịch vụ mobile banking, (trong đó có 41 ngân hàng cung cấp dịch vụ Internet banking), 31 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó 28 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử cũng ngày càng phong phú, đa dạng và dễ dàng thanh toán cho người dân như chuyển khoản qua mobile banking/Internet banking, thanh toán qua thẻ, ví điện tử, QR code...
Là địa phương đi đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn, một số BV như BV Nhi đồng 1 đã triển khai thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân tại khu khám theo yêu cầu 2 và ví điện tử MoMo. BV Từ Dũ đã triển khai thẻ KCB có chức năng thanh toán, tích hợp ATM tại khoa khám ngoại trú. Khi người bệnh đăng ký khám bệnh hoặc khi bác sĩ chỉ định thực hiện các dịch vụ... và người bệnh đồng ý thì tiền trong tài khoản thẻ KCB của người bệnh sẽ được chuyển sang tài khoản của BV, đồng thời người bệnh được cấp số thứ tự để thực hiện khám bệnh.
Người bệnh rút tiền còn lại trên thẻ khám bệnh tích hợp thẻ ngân hàng tại BV Từ Dũ (TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Chi phí thanh toán cao
Ông Trần Quý Tường nhìn nhận người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có thói quen và chưa hiểu tiện ích của việc sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử nên chủ yếu vẫn xài tiền mặt. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các ngân hàng, hệ thống thanh toán với BV còn nhiều khó khăn, phí thanh toán không dùng tiền mặt còn cao. Khi nạp tiền vào thẻ, việc rút tiền dư tại các trụ ATM, ngân hàng còn quá phiền hà.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Đức, đại diện BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết để triển khai các hình thức thanh toán, BV phải bỏ ra chi phí thanh toán giao dịch điện tử cho các đơn vị liên kết rất cao.
Bổ sung ý kiến của BV ĐH Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng trình bày người dân chưa quen sử dụng thẻ ATM do nhiều yếu tố như lớn tuổi, ở tỉnh, không biết chữ, chỉ tham gia khám bệnh một lần,… “Khi áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phí giao dịch khi thanh toán qua thẻ do BV chi trả. Do đó, cần sự hỗ trợ chi phí giao dịch cho ngành y tế của các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Bỉnh nêu.
Là đơn vị triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các BV, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết hiện nay các BV chưa có hệ thống kết nối đồng bộ với ngân hàng nên ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí để vận hành tích hợp với hệ thống phần mềm của mỗi BV, người sử dụng còn hạn chế nên cũng làm tăng chi phí thanh toán.
Do đó, để giảm chi phí, Bộ Y tế cần tính toán có mã bệnh nhân liên thông giữa các BV với nhau, một bệnh nhân có một thẻ ngân hàng vẫn khám được ở nhiều BV, thành lập chuẩn kết nối giữa ngân hàng và BV. Về lâu về dài cần có giải pháp cho BV được quyền phát hành thẻ thanh toán thay vì ngân hàng phải mở thêm quầy giao dịch tại BV làm tốn thêm chi phí và cấp thẻ cho bệnh nhân không có chứng minh nhân dân được làm thẻ thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân.
Khai trương cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế Tai hội nghị, Bộ Y tế đã khai trương Cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế. Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã trao tặng cho Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) 15 triệu thẻ Việt - một thẻ quốc gia. Với thẻ này, ngoài các chức năng nạp tiền tài khoản, rút tiền qua cây ATM… còn có thể thanh toán điện tử tại các BV, chuỗi cửa hàng, bệnh nhân và người nhà cũng có thể đăng ký lấy số khám bệnh từ xa qua tổng đài 1900 6888; tra cứu sổ y bạ điện tử… “Thẻ Việt - một thẻ quốc gia” là một trong những sản phẩm cốt lõi của chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành lĩnh vực y tế, thương mại, du lịch, giao thông, giáo dục... nhằm đưa thẻ thông minh tích hợp thanh toán ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng, dịch vụ xã hội. Sản phẩm tích hợp này được kỳ vọng sẽ tiếp cận hơn 90 triệu người dân Việt Nam và trở thành loại thẻ không thể thiếu của mỗi người dân. |