Ngâm rượu - cẩn trọng lợi bất cập hại

Sao uống hoài mà tóc không đen ? Dân gian thường nghe nói về vị thuốc hà thủ ô có công dụng giúp đen tóc, đen râu (thường dùng chữa tóc bạc sớm), nhiều người đem hà thủ ô ngâm rượu hay nấu nước uống hoài mà không thấy tóc đen hơn. Theo lương y Phạm Như T

Nhiều người quan niệm, “ăn gì bổ nấy”, nhưng theo lương y Lê Văn Cảnh, điều đó chỉ đúng với một số trường hợp (động, thực vật) và phải biết chế biến, sao chế, ngâm, tẩm cho đúng bài. Ngược lại, chẳng những không bổ mà còn hại thân.

Uống hoài sao hổng thấy cương
Sai lầm của rất nhiều người lâu nay là cứ nghe con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, hay bổ dương, trị bệnh là đem nguyên con, nguyên cây, nguyên củ thả vào rượu ngâm rồi uống, từ rắn, rết, bò cạp, bìm bịp đến bào thai nai… 
Với các con vật, theo lương y Cảnh: “Nếu dùng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi vì rượu nồng độ đó không làm chín con vật, dẫn tới con vật bị phân hủy và sản sinh các vi sinh và độc tố. 
Uống loại rượu với kiểu ngâm như thế vừa mất vệ sinh vừa nguy hiểm, đưa độc chất vào người, và cường dương sẽ chẳng thấy đâu!”.
“Nếu dùng các món rượu bổ dương, được ngâm đúng bài, thì cũng phải có thời gian, dùng đều đặn, chừng mực - mỗi ngày tối đa 100 ml, dùng trước bữa ăn thì mới có tác dụng. 
Còn “nạp” cho nhiều đến mấy mà chỉ có một bữa thì sẽ không hiệu quả, mà còn đưa quá nhiều lượng cồn vào máu gây hại cơ thể”, lương y Cảnh nói. 
Ông Cảnh còn cho biết nhiều người đem lá dâm dương hoắc, loại thực vật có tác dụng bổ dương, ngâm rượu để uống, uống hoài mà chẳng thấy bổ dương đâu. 
Đó là vì với loài thực vật này, cần phải sao tẩm hoặc phối hợp với những vị thuốc khác, hoặc chí ít đem sao với mỡ dê thì mới cho ra bài thuốc bổ dương, còn để vậy đem ngâm thì uống hết bình rượu ngâm này qua bình khác cũng chẳng hề bổ dương”.
Thời gian qua, con mối chúa và con ong bầu cũng được nhiều quý ông truyền tai nhau đem ngâm rượu uống để tăng cường sinh lực. Họ cho rằng con mối chúa “quản” cả đàn mối cái; còn con ong bầu thì tần suất giao phối của nó liên tục tù tì trong ngày, nên “chuyện đó” của hai loài vật này phải “dữ” lắm! Nhưng phần lớn các quý ông cũng bị sai về cách ngâm như nói trên. 
“Về mặt y học cổ truyền, đúng là mối chúa có công dụng sinh tinh, cường lực, bổ dưỡng (có nhiều đạm); còn con ong bầu thì công dụng khai thông hoạt lạc, chữa đau nhức phong thấp và giúp mạnh về sinh lý - là có. Nhưng với cách ngâm sai như trên thì có thể bị ngộ độc khi uống, vì các con vật chứa nhiều đạm càng dễ bị phân hủy, sinh độc tố”, ông Cảnh khuyến cáo.
Tương tự, lương y Phạm Như Tá cũng cho hay: “Nhiều quý ông đến khám thắc mắc, sao mua vị thuốc ba kích về tự ngâm rượu uống mà hổng thấy hiệu nghiệm tráng dương, bổ thận?! Đúng là vị thuốc ba kích có công dụng giúp mạnh gân xương, bổ dương, nhưng phải kết hợp với nhiều vị thuốc khác nữa mới có công hiệu”.
Theo các lương y, việc ngâm các vị thuốc, từ thực vật, động vật cần phải biết quy luật “Quân, thần, tá, sứ”, nghĩa là phải biết vị (nguyên liệu) nào là chủ lực, vị nào là phụ trong bài thuốc, biết cách gia giảm tỷ lệ của các vị, thì bài thuốc mới đem lại hiệu quả cao được.
Dao hai lưỡi
Nhiều lương y cho biết những con vật, cây, lá vừa có công dụng trị bệnh, vừa có tính độc. Lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y quận 5, TPHCM) dẫn chứng trái nhàu là trái rất quen thuộc, dân gian, y học cổ truyền hay dùng ngâm rượu để uống giúp hạ huyết áp, trị đau mỏi lưng, đau nhức người. 
Nhưng người dùng cần biết rượu ngâm quả nhàu chỉ có hiệu quả khi dùng cho người đau lưng do công việc, đau nhức do trái gió, trở trời; còn với người đau lưng do bệnh lý về thận, sỏi thận thì cần đi khám, chứ uống rượu ngâm nhàu thì bệnh tình thêm trầm trọng. 
Hay cây dương địa hoàng, đừng nghe nói loài cây này có tác dụng chữa bệnh tim mạch, mà đem ngâm rượu uống sẽ bị trúng độc rất nguy hiểm vì cây này phải qua điều chế mới có tác dụng chữa rối loạn tim mạch được.
“Nhiều loại động vật có công dụng bổ dưỡng hoặc trị bệnh, nhưng nếu dùng sai, chế biến không đúng bài thì từ món bổ có thể thành món độc. 
Chẳng hạn sứa biển dùng chế biến món ăn rất ngon, nhưng đã có nhiều người bị trúng độc vì không biết dùng loại sứa lửa (có độc tố), bị dị ứng khiến miệng, môi sưng tấy, da nổi mẩn đỏ, ngứa. Hoặc bọ cạp, y học cổ truyền gọi là vị thuốc toàn yết, dùng chữa chứng phong thấp rất hay. 
Nhưng loài côn trùng này có chứa độc tố, ngâm rượu chỉ để dùng thoa ngoài da; còn nếu dùng trong thì phải có chuyên môn chế biến để không gây độc. 
Tương tự, rượu ngâm con rết cũng có tác dụng chữa đau nhức phong thấp rất hay nhưng chỉ xoa bên ngoài, không được uống!”, lương y Huỳnh Văn Quang cho hay.
Lương y Cảnh cho biết thêm với con tắc kè, cũng là loài vật hay được người dân ngâm rượu để dùng, nhưng cần biết tắc kè vừa có công dụng trị bệnh lại vừa rất độc. 
Về y học, tắc kè có công dụng giúp mạnh sinh lý, chữa đau nhức phong thấp (ít hơn), nhưng khi ngâm rượu cần bỏ hai con mắt, vì mắt của tắc kè có chứa độc tố nguy hiểm, và đã có người bị ngộ độc do dùng rượu ngâm không đúng. Vì vậy, cần làm sạch tắc kè, nướng sơ qua, sau đó bỏ nội tạng trước khi ngâm rượu.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) đúc kết: “Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay; nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ trở thành độc hại. 
Đặc biệt, với loài cây, cỏ hoang dã - thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp... rất nguy hiểm, nếu không rõ về nó thì tuyệt đối không dùng, rất dễ tử vong như nhiều trường hợp đã xảy ra”.

Sao uống hoài mà tóc không đen ?

Dân gian thường nghe nói về vị thuốc hà thủ ô có công dụng giúp đen tóc, đen râu (thường dùng chữa tóc bạc sớm), nhiều người đem hà thủ ô ngâm rượu hay nấu nước uống hoài mà không thấy tóc đen hơn. 

Theo lương y Phạm Như Tá, phải biết cách chế, chẳng hạn dùng đậu đen nấu lấy nước, rồi lấy nước đó đem nấu với hà thủ ô để uống thì mới hiệu quả.

Uống rượu ngâm “mật nhân”, một người chết, một người nguy kịch

Ngày 10/9/2013, ông Nguyễn Quang Hướng (54 tuổi, ngụ thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) sau khi uống 1 ly nhỏ rượu ngâm với rễ cây mật nhân thì bị hôn mê, co cứng tay chân, khó thở và tê cứng môi lưỡi. Rễ mật nhân do ông Sang (51 tuổi, bạn ông Hướng), ngụ xã Mê Linh (Lâm Hà) tặng ngày 9/9. 

Người nhà ông Hướng gọi điện báo cho ông Sang biết tình trạng của ông Hướng sau khi uống rượu ngâm rễ cây mà ông Sang cho. Để chứng minh rượu mật nhân như thần dược, ông Sang tới nhà ông Hướng uống liền 3 ly rượu trên; chỉ ít phút sau ông Sang cũng lâm tình trạng nguy kịch tương tự ông Hướng và vài ngày sau ông Sang tử vong. 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc (BVĐK Lâm Đồng), nhận định độc tố trong rễ cây ngâm rượu mà ông Hướng và ông Sang sử dụng gần giống mã tiền, một loại cây rất độc.

Phản khoa học, vô cùng nguy hiểm

Liên quan việc người dân đổ xô đến nhà bà Nguyễn Thị Kim Hồng ở ấp Cà Dăm (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) để mua rượu ngâm gốc, rễ cây, tối 29/8, ông Lý Quang Xuân - Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Long An - cho biết bà Hồng không có chứng nhận hành nghề, cũng không biết rõ đây là loại cây gì, nếu người dân tùy tiện sử dụng có thể nguy hiểm đến sức khỏe

Hội Đông y tỉnh Long An cho biết việc sử dụng gỗ một loài cây chưa xác định của ngành chuyên môn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh cho nhiều người là phản khoa học và vô cùng nguy hiểm. “Chiều 28.8, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã có buổi làm việc với bà Hồng và gia đình. 

Qua làm việc, gia đình bà Hồng cam kết sẽ ngưng việc bán rượu có ngâm gốc cây cho người dân” - Chủ tịch UBND H.Tân Hưng Nguyễn Văn Thắm cho biết.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Thanh Niên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới