Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông do Bộ KH&ĐT soạn thảo đang nhận được nhiều góp ý của các bộ, ngành liên quan. Trong đó có ý kiến băn khoăn về đối tượng được thưởng, cách ngăn chủ đầu tư và nhà thầu “bắt tay” trục lợi tiền thưởng.
Xem xét tiền thưởng khi dự án đội vốn
Góp ý cho dự thảo trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng dự thảo nghị định đang theo hướng áp dụng cho hợp đồng xây dựng thực hiện các gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của nhà thầu thi công xây dựng mà còn có thể thông qua giải pháp, khuyến nghị của các đơn vị tư vấn, cụ thể là tư vấn giám sát.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc về các biện pháp, hình thức thưởng hợp đồng. Trên cơ sở đó khuyến khích, huy động sự tham gia của các chủ thể có liên quan vào quá trình đề xuất giải pháp, sáng kiến. Từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, cũng như đề xuất các cơ chế chia sẻ tiền thưởng phù hợp. Điều này sẽ giúp chính sách đảm bảo tính khả thi, công bằng giữa các chủ thể và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Về nguồn tiền thưởng, ông Nghị đề nghị đưa ra phương án cụ thể đối với trường hợp tổng mức đầu tư xây dựng không đủ tiền thưởng sau khi hợp đồng được nghiệm thu, bàn giao theo quy định. Bởi những dự án này không thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng.
Các nhà thầu thi công nhanh sẽ được thưởng cao. Trong ảnh: Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG |
Với các ý kiến trên, Bộ KH&ĐT cho rằng các gói thầu tư vấn giám sát có thời gian thực hiện phụ thuộc vào thời gian thực hiện gói thầu xây lắp nên việc đánh giá tiến độ thực hiện để xác định tiền thưởng rất khó đảm bảo chính xác. Vì vậy, để thuận lợi trong việc tính toán, xác định số tiền thưởng, Bộ KH&ĐT kiến nghị chỉ áp dụng đối với các gói thầu xây lắp.
“Bộ GTVT, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Hòa Bình cũng có ý kiến tương tự…” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Về tiền thưởng, cơ quan soạn thảo cho biết sẽ lấy từ tiền dư sau khi đấu thầu được giảm trừ từ giá trị xây lắp, không bao gồm dự phòng của gói thầu. Đối với các trường hợp điều chỉnh tăng khối lượng, đơn giá thông thường thì sử dụng nguồn dự phòng của gói thầu, không ảnh hưởng đến nguồn tiền thưởng.
“Trường hợp gói thầu điều chỉnh tăng giá đột biến, bất thường thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo cơ chế khác, vượt phạm vi của nguồn tiền thưởng…” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Nhà thầu làm nhanh được hưởng 100% tiền dư sau đấu thầu
Sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo nghị định trên. So với lần trước, dự thảo lần này vẫn giữ nguyên đối tượng được áp dụng quy định thưởng là 15 dự án giao thông.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo điều chỉnh nguyên tắc thưởng. Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định: “Không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và ký kết hợp đồng không theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng”.
Theo đó, thời gian thực hiện gói thầu đã được tính toán, xác định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu. “Việc này nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận, lập thời gian thực hiện dự án kéo dài nhằm trục lợi tiền thưởng…” - Bộ KH&ĐT lý giải.
Về tiền thưởng, Bộ KH&ĐT cho rằng số tiền thưởng phải đủ lớn và hấp dẫn để khuyến khích sự quan tâm của nhà thầu. Theo đó, bộ này đề xuất số tiền thưởng nên trong phạm vi 5% giá trị hợp đồng, tức được hưởng 100% số tiền dư sau đấu thầu.
Đối với thời gian thực hiện hợp đồng, cơ quan soạn thảo đưa ra quy định thời gian thực hiện theo hợp đồng là thời gian được xác định cụ thể trong hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu (không tính thời gian gián đoạn do các yếu tố chủ quan, khách quan, vì các lý do bất khả kháng được hai bên thỏa thuận).
Bộ KH&ĐT cũng cho biết việc thực hiện quy định thưởng hợp đồng đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc thí điểm đối với các dự án giao thông nhằm đánh giá trước khi nhân rộng mô hình này.
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đang phát phiếu lấy ý kiến để sớm thông qua dự thảo nghị định này.•
Những dự án, gói thầu dự kiến được áp dụng thưởng
Theo đề xuất của Bộ KH&ĐT, 15 dự án giao thông được áp dụng chính sách thưởng tiền, gồm các cao tốc: Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Tuyên Quang), Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang); cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là một trong các công trình được áp dụng chính sách thưởng. Ảnh: C.ANH |
Các dự án cầu gồm: Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), cầu vượt sông Đáy (nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định).
Các tuyến đường kết nối gồm: Các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối TP Bắc Ninh; đường từ Quốc lộ 12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa (Hà Tĩnh); đường kết nối từ Quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định).
Cạnh đó còn có dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2; các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).