Ngân hàng 'năn nỉ' cho vay nhưng doanh nghiệp đặt vấn đề 'vay để làm gì'

(PLO)-  Tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường” do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 5-4, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc sử dụng đồng vốn vay của ngân hàng hiệu quả quan trọng hơn nhiều so với việc tăng trưởng tín dụng bằng mọi cách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay cả lúc nền kinh tế sôi động hay èo uột, các doanh nghiệp vẫn than là khó tiếp cận vốn. Còn phía ngân hàng thương mại lúc nào cũng trong tình trạng mỏi mắt tìm khách hàng tốt để cho vay. Không ngân hàng nào muốn cho vay với những khách hàng họ biết trước là khó thu hồi nợ.

Doanh nghiệp đau đầu với vốn vay, lãi suất

Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong năm 2022, lãi suất cho vay bằng USD chỉ khoảng 2%/năm, sau đó tăng dần lên đến 4%/năm và đến nay đang lãi suất 5,5% - 6%/năm.

Trong khi đó, tỉ giá liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây hoàn toàn bất lợi đối với những doanh nghiệp đang vay bằng ngoại tệ, kể cả doanh nghiệp lớn.

Còn với những doanh nghiệp đang vay bằng VND cũng phải chịu lãi suất từ 8-8,5%/năm và đây cũng là một mức lãi suất vượt quá khả năng chi trả.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM cho biết ngành dệt may đã ghi nhận mức tăng trưởng trong hai tháng đầu năm đạt 13% so với cuối năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tuy nhỏ nhưng vẫn đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất trong nửa đầu năm nay. Do đó, các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn để đầu tư cho công nghệ.

Ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi như giai đoạn hoàng kim. Ảnh minh họa

"Điều đáng nói là các ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay, song chỉ cho vay vốn lưu động, ngắn hạn là chính, còn cho vay đầu tư vào trung và dài hạn lại khó", ông Việt nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM thông tin thêm: Các ngân hàng đang muốn cho doanh nghiệp vay, thậm chí "năn nỉ" cho vay nhưng doanh nghiệp lại đặt vấn đề "vay để làm gì" khi mà cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng "thủ" rất kỹ, định giá tài sản thế chấp ở mức thấp để đảm bảo ít rủi ro.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi khảo sát doanh nghiệp và ngân hàng thì doanh nghiệp thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn nhưng khi hỏi ngân hàng thì cho biết họ cũng đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Sở dĩ nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là do không có tài sản đảm bảo, sổ sách kế toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…

Cần hạ lãi của khoản vay hiện hữu thấp hơn nữa

Để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ông Tuệ cho rằng Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng được kéo dài thay vì kết thúc vào 30-6 tới.

Về phía ngân hàng, đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp.

Đáng chú ý, ông Tuệ đề xuất các ngân hàng cần đẩy mạnh việc chống tiêu cực trong bộ máy, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Về phía người vay vốn, ông Tuệ cho rằng doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước – nguyên Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia đặt câu hỏi, vấn đề tăng trưởng tín dụng hiện nay ở mức thấp là do đâu trong khi ngân hàng nào khi huy động cũng đều muốn cho vay và cũng liên tục hạ lãi suất nhưng vẫn neo lãi suất của khoản vay cũ ở mức cao.

Điều này là do các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho những khoản tiền gửi được huy động từ thời điểm đầu năm 2023 và chưa đáo hạn. Tuy nhiên về lâu dài, các ngân hàng cần phải hạ thấp lãi suất cho vay hiện hữu thêm nữa. Còn với lãi suất cho vay mới, dù đang ở mức thấp nhưng các doanh nghiệp cũng không muốn vay bởi sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Tín dụng chung của toàn nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm nay đạt 1% so với cuối năm ngoái nhưng nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Khi nợ xấu tăng có nguy cơ ảnh hưởng an toàn hệ thống tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Do đó, câu chuyện tín dụng cần đẩy mạnh là đúng nhưng không phải đẩy mạnh bằng mọi cách, đẩy mạnh một cách bất chấp. Bởi nếu không cẩn trọng thì hậu quả về sau sẽ vô cùng nặng nề".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm