Để không dở khóc dở cười vì thẻ tín dụng - Bài 2

Khách hàng lạc vào ma trận phí, lãi suất thẻ tín dụng

(PLO)- Ưu điểm của thẻ tín dụng là có thật và không cần phải bàn cãi. Nhưng nếu cứ nhắm mắt đăng ký mở thẻ tín dụng mà không biết rõ mặt trái của thẻ thì nó lại là “con dao” khiến khách hàng đứt tay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi thẻ ATM được dùng theo cơ chế nạp tiền bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu thì thẻ tín dụng được sử dụng theo cơ chế thanh toán trước, trả nợ sau. Tức là khách hàng mượn tiền của ngân hàng (NH) để thanh toán cho khoản mua hàng hóa, dịch vụ của mình, sau đó tới cuối kỳ hạn cần trả lại đầy đủ số tiền đó cho NH.

Một rừng các loại phí bủa vây thẻ tín dụng

Việc sử dụng thẻ tín dụng ngày càng trở nên phổ biến nhưng không phải ai cũng rành về các loại phí có thể phát sinh khi sử dụng. Theo đó, tùy từng NH, từng loại thẻ sẽ có các loại phí, mức phí khác nhau, song nhìn chung có thể kể đến một số loại phí như sau: Phí phát hành thẻ.

Với loại phí này, có NH miễn phí nhưng cũng có NH thu từ 200.000 đến 2 triệu đồng/thẻ. Đối với dòng thẻ VIP (hạn mức tín dụng cao), phí phát hành thẻ có thể lên tới 5 triệu đồng/thẻ.

Tiếp đến là phí thường niên. Thông thường sau khi được miễn phí trong năm đầu, các năm tiếp theo khách hàng phải đóng từ 200.000 đến 2 triệu đồng/năm tùy theo từng loại thẻ khác nhau. Sử dụng thẻ và thanh toán nợ đúng hạn, chủ thẻ chỉ tốn phí thường niên. Nhưng nếu dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại ATM thì ngoài mức phí 3%-5% trên số tiền rút, khách hàng còn phải chịu lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng ngay lập tức, khoảng 25%-33%/năm tùy NH.

Thông thường so với lãi suất huy động và lãi suất cho vay cá nhân có tài sản thế chấp thì mức lãi suất áp dụng với thẻ tín dụng cao gấp 2-3 lần. Khoản lãi này được tính hằng ngày kể từ thời điểm NH ứng trước tiền mặt cho đến khi chủ thẻ hoàn trả đầy đủ.

Ví dụ, chủ thẻ rút 20 triệu đồng tiền mặt từ máy ATM và dự định 14 ngày sau sẽ trả lại cho NH. Khi đó, ngoài mức phí rút tiền mặt là 4% trên số tiền rút, tương đương 800.000 đồng, khách hàng phải trả thêm 263.276 đồng tiền lãi được tính trên tổng tiền gốc và phí.

w-P11-the tin dung 1.jpg
Việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ ngày càng phổ biến. Ảnh: TL

Như vậy, rút 20 triệu đồng, sau 14 ngày khách hàng sẽ phải trả đủ 21.064.000 đồng. Nếu khách hàng không trả đủ hoặc trả một phần tối thiểu, phía NH sẽ tính phí chậm thanh toán. Mức phí này tại Sacombank là 6% số tiền chậm thanh toán (tối thiểu là 100.000 đồng).

Trong trường hợp chủ thẻ “quẹt lố” so với hạn mức cho phép, NH sẽ thu phí 3%-5% trên số tiền vượt hạn mức. Phí vượt hạn mức tín dụng của mỗi NH khác nhau. Chẳng hạn, tại Vietcombank có mức phí vượt hạn mức 8%-15%/năm/trên số tiền vượt hạn mức tùy theo số ngày, ví dụ vượt hạn mức 1-5 ngày sẽ có mức phí là 8%/năm/số tiền vượt hạn mức. Còn tại Eximbank áp dụng mức phí 15%/năm/số tiền vượt hạn mức.

Có những loại phí của thẻ tín dụng có tên rất “lạ” tai như phí khách hàng khiếu nại sai, phí chọn số thẻ, phí thu nợ tự động, phí dịch vụ yêu cầu đặc biệt…

Gần như các loại phí của thẻ tín dụng đều có mức giá 100.000-500.000 đồng.

Với trường hợp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài sẽ phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này có thể là 2%-4%/số tiền giao dịch. Chưa kể khách hàng còn phải trả cả phí xử lý giao dịch nội tệ tại nước ngoài 1,2%-2,5%/số tiền giao dịch, áp dụng với giao dịch bằng VND tại điểm chấp nhận ngoại tệ ở nước ngoài.

Ngoài các loại phí kể trên, thẻ tín dụng còn phải gánh thêm hàng loạt phí khác. Đơn cử như phí phát hành thẻ nhanh, phí cấp lại thẻ, phí cấp lại PIN, phí ứng tiền mặt khẩn cấp, phí thay thế thẻ khẩn cấp… Khi khách hàng không muốn sử dụng thẻ tín dụng nữa, đến quầy làm thủ tục hủy thẻ xong sẽ phải đóng thêm phí chấm dứt sử dụng thẻ 50.000-200.000 đồng/thẻ.

Để tránh “bút sa gà chết” trước khi mở thẻ tín dụng

Lãnh đạo một công ty hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán nhìn nhận: Quyền lợi bất di bất dịch của khách hàng là họ phải được giới thiệu đầy đủ, tường tận tất cả điều khoản có thể gây bất lợi cho mình trong quá trình sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng. Thế nhưng thực tế có NH nào dám khẳng định những nhân viên tư vấn thẻ tín dụng của họ đã thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi giới thiệu về thẻ tín dụng với người tiêu dùng chưa?

“Tôi khẳng định là chưa bao giờ có chuyện đó. Liệu có nhân viên NH nào khi chào mời khách mở thẻ tín dụng mà lại nói vanh vách về các điều khoản có thể gây bất lợi cho chủ thẻ tín dụng. Cũng không có nhân viên nào liệt kê một loạt loại phí mà thẻ tín dụng sẽ thu trong từng tình huống nhất định (ví dụ khi ra nước ngoài, thẻ tín dụng sẽ thu thêm các loại phí nào; hay những khoản phí mà chủ thẻ sẽ phải đóng khi mất thẻ, hủy thẻ, bị nuốt thẻ tại cây ATM; phí khi chủ thẻ khiếu nại sai…).

w-P11-the tin dung 2.jpg
Việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ ngày càng phổ biến. Ảnh: TL

Thay vào đó, họ chỉ nói về hàng loạt ưu điểm của thẻ tín dụng, nào là tích điểm, đổi điểm, chiết khấu, lãi suất 0%/năm, miễn lãi 45-55 ngày… Sau đó, chốt hạ bằng một câu quen thuộc: “Anh chị chỉ cần trả nợ đúng hạn thì sẽ không phát sinh bất cứ khoản phí nào”” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc khối NH số MB Cambodia, cho biết: Khách hàng sau khi nhận thẻ tín dụng nhưng vì lý do nào đó mà không kích hoạt thì họ sẽ chỉ mất phí phát hành thẻ thôi. Tuy nhiên, nếu không kích hoạt thẻ tín dụng, khách hàng sẽ không thể dùng thẻ này cho bất kỳ mục đích nào dù là thanh toán, rút tiền hay trả góp.

Trong trường hợp khách hàng đã đăng ký mở thẻ tín dụng, đã nhận thẻ cứng và đã kích hoạt thẻ thành công nhưng chưa từng sử dụng thẻ để thanh toán hay giao dịch và thẻ cứ nằm im như vậy thì mỗi năm chủ thẻ sẽ phải đóng phí thường niên để có thể duy trì thẻ được hoạt động bình thường.

Đặc biệt, khi sở hữu nhiều thẻ tín dụng nhưng lại không có thói quen theo dõi và quản lý tình hình tài chính một cách chặt chẽ, chủ thẻ có thể sẽ tiêu nhiều hơn hạn mức cho phép, dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc thanh toán.

“Chưa kể là mỗi thẻ tín dụng đều sẽ đi kèm theo các khoản phí thường niên, phí trả trễ hạn, phí vượt hạn mức, phí rút tiền mặt… Nếu khách hàng không cẩn thận hoặc sử dụng quá nhiều các thẻ này có thể sẽ phải trả một khoản phí lớn, gây tốn thêm chi phí. Vì vậy, một điều vô cùng quan trọng đối với khách hàng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mở thẻ tín dụng là cần phải đọc và hiểu rõ các thỏa thuận trong đó để tránh “bút sa gà chết”” - ông Huy khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia tài chính NH cũng cho rằng nhìn vào ma trận biểu phí dịch vụ thẻ tín dụng mới thấy các NH đang tận thu của khách hàng, chứ không phải xem khách hàng là “thượng đế”. Nếu NH thực sự xem khách hàng là trọng tâm, họ sẽ biết cách phải làm sao để giữ chân “thượng đế”, biến chính “thượng đế” trở thành người mở rộng tệp khách hàng mới về cho mình.

Làm được như vậy, sản phẩm thẻ tín dụng nói riêng và dịch vụ NH bán lẻ nói chung mới có thể phát triển một cách bền vững, đồng thời giảm thiểu được rủi ro cho cả NH lẫn khách hàng.

Các ngân hàng phải rà soát cách tính lãi suất thẻ

Chiều 25-3, NH Nhà nước tiếp tục yêu cầu các NH thương mại phải rà soát, đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NH Nhà nước và pháp luật liên quan.

Đối với trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài…), thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, tổ chức phát hành thẻ cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp với các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời. Qua đó, đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và tổ chức phát hành thẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm