Ngân hàng Nhà nước muốn có thêm thẩm quyền điều tra

(PLO)- Thẩm quyền điều tra của Ngân hàng Nhà nước chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, chưa phân định rõ phạm vi, đối tượng, quy trình điều tra của NHNN.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-6, Quốc hội (QH) nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Thống đốc, sau hơn 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã không còn phù hợp, cần xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Theo bà Hồng, dự luật bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Dự luật dự kiến sẽ áp dụng thêm đối tượng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Các quy định được sửa đổi khá nhiều, bao gồm các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, về tài chính, hạch toán, báo cáo…

Về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD, Thống đốc cho hay điều này dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ).

Để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày về dự luật các TCTD. Ảnh: QH

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày về dự luật các TCTD. Ảnh: QH

Về áp dụng “can thiệp sớm”, dự luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm. Đồng thời, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.

Đặc biệt, theo Thống đốc, dự luật bổ sung quy định rõ trách nhiệm của NHNN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó làm rõ phạm vi quản lý nhà nước của các bộ ngành khi có sự giao thoa giữa các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...

Đáng chú ý, dự luật dự kiến cho NHNN thẩm quyền “Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật”.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh nói "có ý kiến…đề nghị xem lại thẩm quyền của NHNN về “Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng” do chưa phù hợp với quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; chưa phân định rõ phạm vi, đối tượng, quy trình điều tra của NHNN”.

Báo cáo thẩm tra của UBKT phân tích nhiều vấn đề và kết luận: “Từ những nội dung phân tích và xét ý nghĩa quan trọng của Luật các TCTD (sửa đổi), UBKT cho rằng với thời gian gấp rút nhưng Chính phủ, NHNN Việt Nam đã nỗ lực để tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật”.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra, còn nhiều nội dung trong thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ QH như: vấn đề về ngân hàng chính sách, tập đoàn tài chính, vấn đề luật hóa Nghị quyết 42, vấn đề tài chính, hạch toán, báo cáo… hay vấn đề về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt...đều là những vấn đề quan trọng, cốt lõi của dự án Luật nhưng còn chưa cụ thể, chưa phù hợp, cần tiếp tục được hoàn thiện.

“UBKT xin báo cáo QH xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình ba kỳ họp. Để bảo đảm tính toàn diện và khả thi của dự án Luật, Chính phủ tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ QH, các ý kiến thẩm tra, tham gia thẩm tra của UBKT, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của của QH và các ý kiến của đại biểu QH phát biểu tại Tổ và Hội trường để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này”- báo cáo thẩm tra nêu.

Thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát

1. NHNN có thẩm quyền:

- Kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

- Điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Bộ Tài chính trao đổi thông tin và chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, giám sát, kiểm tra hoạt động về chứng khoán, bảo hiểm của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

4. Trong phạm vi quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình, các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thẩm quyền.

Điều 191, Dự án Luật các TCTD (sửa đổi)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy