Các tổ chức tín dụng sẽ tự cơ cấu thời gian trả nợ

(PLO)- Theo Thông tư 02/2023, dù được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, song các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 (Thông tư 02) của Ngân hàng (NH) Nhà nước ngày 25-4, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước, cho biết: Theo quy định tại Thông tư 02, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thông tư 02 sẽ giao quyền cho các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Ngày 25-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và năm NH thương mại nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu DN và các giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng cho biết thời gian qua, các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản pháp lý, hướng dẫn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, thị trường trái phiếu DN, bất động sản.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong lúc người dân, DN gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”.

Các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cũng được tự cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi về việc khi áp dụng thông tư này, các TCTD sẽ phải làm gì để có thể giảm thiểu các rủi ro nợ xấu tiềm ẩn, bà Giang nhấn mạnh: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Tuy nhiên, về góc độ của TCTD thì các tổ chức vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng. “Theo quy định tại Thông tư 02, các TCTD phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các TCTD trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống” - bà Giang nhấn mạnh.

Vẫn còn lãi suất cho vay rất cao

Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú, trong bối cảnh NH Nhà nước liên tục chỉ đạo các NH thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), hiện vẫn còn nhiều NH đưa ra lãi suất cho vay rất cao.

Thực tế, lãi suất cho vay 13%-14%/năm mới là mức lãi suất cho vay bình quân ở một số NH, như vậy sẽ có những khoản vay phải chịu lãi suất cao hơn.

“Một vài NH đưa ra lãi suất cho vay cao như thế thì làm sao giảm được mặt bằng lãi suất chung, làm sao thống nhất được mặt bằng lãi suất” - ông Tú nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện NH VPBank giải thích lý do lãi suất cho vay bình quân của NH cao hơn so với thị trường là do NH có định hướng phát triển phân khúc khách hàng cá nhân, DN nhỏ và vừa (SME).

Trong chiến lược kinh doanh với tập khách hàng cá nhân và các SME, NH cũng tập trung phát triển các sản phẩm tín chấp, tiêu dùng, có đặc thù là rủi ro cao hơn. Từ các đặc thù này dẫn tới yêu cầu kiểm soát rủi ro của NH cao hơn và cơ cấu lãi suất cho vay ảnh hưởng cao hơn.

Thông tư 02 góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thông tư 02 góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Tương tự, lãnh đạo NH VietABank cho biết hoạt động cho vay của NH cũng mang một số nét đặc thù riêng với phân khúc khách hàng cá nhân. Thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã có xu hướng giảm nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: “Một số NH huy động thấp mà lại cho vay cao. Đáng ra lãi suất đầu vào thấp thì cho vay ra cũng phải thấp, chứ không thể giải thích vì cho vay bán lẻ, tư nhân mà đưa ra lãi suất cao được”.

Theo đó, phó thống đốc yêu cầu các NH rà soát, làm rõ nguyên nhân các NH cho vay lãi suất cao. Vấn đề có phải do thiếu thanh khoản mà phải tăng lãi suất cho vay hay không…. “Phải chăng đây là điểm gây khó dễ cho DN, người dân. Lãi suất cao như thế này, DN làm sao mà kinh doanh được” - phó thống đốc nhấn mạnh.

Tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích của VNDIRECT, cho rằng Thông tư 02 sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các NH có tỉ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB. Bởi các NH này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các NH có mô hình kinh doanh “an toàn” (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu DN) trong thời điểm này.

Báo cáo cũng cho thấy thị trường trái phiếu DN sẽ được giải tỏa phần nào khi Thông tư 03/2023 (về mua, bán trái phiếu DN) được ban hành, đã hoãn thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép NH được quyền mua trái phiếu DN (có điều kiện kèm theo). Đây cũng là một cách để các NH có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu DN trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (xấp xỉ 2% tại cuối quý I-2023) và thanh khoản tại NH đang dư thừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm