Rủ nhau bùng nợ và những hệ lụy khó lường

(PLO)-  Gần đây, hiện tượng “rủ nhau” bùng nợ từ một bộ phận khách hàng đã tác động xấu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính và bản thân những người bùng nợ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao; khách hàng rủ nhau bùng nợ sau các thông tin điều tra khởi tố đối tượng đòi nợ kiểu "khủng bố"; nhân viên thu hồi bị ảnh hưởng tâm lý khi bị đe dọa từ khách hàng...

Đó là loạt vấn đề được ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) - đưa ra tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” diễn ra sáng 25-4.

Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit). Ảnh: Nhà đầu tư

Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit). Ảnh: Nhà đầu tư

Theo ông Lê Quốc Ninh, đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án. Lực lượng công an đã vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm đối tượng đòi nợ thuê kiểu "khủng bố". Tuy nhiên, hoạt động thu hồi nợ nói chung theo đó cũng bị ảnh hưởng.

“Nợ xấu tăng cao khi một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng là phạm pháp, có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần”, ông Ninh cho hay

Việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp, tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao. Ông Ninh cho biết, hết quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm 3,8%, nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.

Một thực tế khác theo ông Ninh là tình trạng nhân viên thu hồi nợ bị đe dọa ngược từ khách hàng; Tuyển dụng mới khó khăn khi có định kiến xã hội...

Tại tọa đàm, ông Lê Xuân Đồng - Giám đốc Khối Dịch vụ nghiên cứu thị Trường và tư vấn FiinGroup - chỉ ra các hành vi đòi nợ trái luật phổ biến như gọi điện thoại chửi bới, đe dọa; gọi điện cho người thân, tung hình lên các mạng xã hội nhằm bôi xấu danh dự…

Theo ông Đồng, cơ chế thu nhập khắc nghiệt của nhân viên thu hồi nợ khi lương cứng thấp, thu nhập chính từ hoa hồng được chia trên số tiền nợ đòi được. Vô hình chung, điều này đã thúc đẩy nhân viên dùng mọi phương thức để đòi nợ, kể cả vi phạm pháp luật.

Trước câu hỏi, vậy các quốc gia khác thực hiện việc thu hồi nợ như thế nào? Ông Đồng cho biết, các nước kiểm soát thu hồi nợ rất chặt chẽ, nhiều nơi còn có luật riêng về thu hồi nợ. Còn ở Việt Nam lại khác, hoạt động thu hồi nợ phát sinh rất nhiều vấn đề.

Đề xuất giải pháp gỡ khó khăn về thu hồi nợ, ông Đồng cho rằng, cần cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp để hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ.

Đồng thời, cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại).

Nghiên cứu gói vay cho công nhân để ngăn chặn tín dụng đen

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội - cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 5-2023.

Theo ông Hiếu, Chính phủ nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế “Chiến lược phát triển tài chính toàn diện” tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.

Vị này cho rằng, có 3 vấn đề nổi lên: Thứ nhất là thiếu khung pháp lý; thứ hai là thực thi, nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành sẽ giải quyết được phần lớn hiện trạng.

Và cuối cùng là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và hiệu quả cho các chủ thể khác nhau như tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác.

Ông Phan Đức Hiếu gợi ý, có nên hay không đưa ra một khung pháp lý dành riêng cho hoạt động vay tiêu dùng khi không thể áp dụng Luật các Tổ chức tín dụng đối với các công ty tài chính. Hay có nên gắn các quy định này tại Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngoài ra, vấn đề xử lý nợ cũng cần có quy định rõ ràng, nên là quy định xử lý nợ hay là xử lý nợ xấu.

Toàn cảnh toạ đàm sáng 25-4. Ảnh: Minh Trúc

Toàn cảnh toạ đàm sáng 25-4. Ảnh: Minh Trúc

Theo ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD Saison, lợi thế của tín dụng đen là cho vay nhanh, đi sâu vào công nhân, cho vay những khoản vay nhỏ.

Lý giải về việc người dân bất chấp lãi suất cao, vẫn vay nợ tín dụng đen. Ông Đức cho biết, đời sống công nhân khó khăn, có nhu cầu vay tiền khi con ốm, phí điện, nước lúc chưa có lương... họ chỉ có con đường duy nhất là tín dụng đen. Bởi lẽ khoản vay chỉ 2-3 triệu đồng, rất khó tìm tới tổ chức chính thống.

Chính vì vậy, để ngăn chặn công nhân tiếp xúc với tín dụng đen, nhiều công ty tài chính đang thiết kế gói vay cho riêng công nhân với lãi suất chỉ bằng 50% so với công ty tiêu dùng, nhằm cạnh tranh với tín dụng đen về cách thức cho vay, lãi suất.

Về phía Bộ Công an, Thiếu tá Đào Đình Nam - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, Bộ đã có nhiều giải pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, hệ thống các công ty tài chính về vấn đề tài chính tiêu dùng. Theo ông Nam, một giải pháp quan trọng được đưa ra đó là việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai cung cấp xác minh danh tính...

Cụ thể, sẽ phối hợp công an địa phương xác minh danh tính phục vụ cho hoạt động trước cho vay. Theo đó, công dân đi vay bất kỳ ở đâu đều có thể nắm được, qua đó cung cấp phân loại cho các công ty tài chính đối tượng nào nên, không nên cho vay.

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật An Phát Phạm. Ảnh: Nhà đầu tư

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật An Phát Phạm. Ảnh: Nhà đầu tư

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật An Phát Phạm, cho biết, vừa qua có hiện tượng kêu gọi, lập nhóm hàng nghìn người để bùng nợ. Đây là hành vi cần được xử lý nghiêm.

Với giải pháp khởi kiện ra toà, ông Phất cho biết, khó khả thi với nhiều trường hợp khoản vay giá trị thấp. Các món nợ đôi khi chỉ có 3-4 triệu đồng, nếu dưới 100 triệu thì nhiều chủ nợ rất ngại đem ra toà.

Thực tế, theo ông Phất, thời gian xét xử cũng là một bất cập khi có vụ kéo dài đến 9 năm. Dù Luật tố tụng dân sự quy định thủ tục rút gọn chỉ 1 tháng, nhưng chưa tòa nào áp dụng dù đủ điều kiện, thậm chí người dân còn quên có cả thủ tục rút gọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm