Ngăn nạn đổ bậy bùn hầm cầu bằng GPS

Đổ bậy bùn hầm cầu ra môi trường đang là vấn đề nhức nhối xảy ra trên địa bàn TP.HCM. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, mỗi ngày toàn TP thải ra khoảng 210 tấn bùn hầm cầu. Thông thường, một xe chở bùn hầm cầu chở được khoảng ba tấn. Vậy cần có chừng 70 xe chở bùn hầm cầu mỗi ngày thì mới chuyển hết số bùn hầm cầu này. Thế nhưng thực tế, số xe vận chuyển bùn hầm cầu về đúng nơi quy định ít hơn 70 xe.

Kiểm soát bằng công nghệ

Nhằm hạn chế tình trạng đổ bậy bùn hầm cầu ra môi trường, cơ quan quản lý đã áp dụng biện pháp niêm chì lỗ xả của xe hút hầm cầu. Tuy vậy, biện pháp này vẫn không hiệu quả. Các chủ xe vẫn khoét lỗ xả bên hông thân xe để xả lén.

Trước thực trạng này, Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất thực hiện dự án “Trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho các phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn TP”. Dự án phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Sở Giao thông Vận tải và Công ty TNHH Xử lý chất thải Hòa Bình. Dự án áp dụng bắt buộc đối với các đối tượng là chủ vận chuyển bùn hầm cầu trên địa bàn TP.HCM.

Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System - GPS) kết hợp với hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) giúp quản lý chặt chẽ các xe hút hầm cầu trong quá trình lưu thông trên đường, phát hiện và định vị chính xác các vị trí xe hút hầm cầu đổ bậy ra môi trường. Cụ thể, việc ứng dụng GPS-GIS nhằm giúp cơ quan quản lý đạt được các mục tiêu sau đây:

Giám sát, định vị được vị trí các xe hút hầm cầu trên đường vận chuyển (thông qua bản đồ GIS).

Theo dõi, xác minh được các thông tin có liên quan đến xe hút hầm cầu trên đường vận chuyển như: tên chủ xe, biển số xe, vị trí đổ, tốc độ, mức tiêu hao nhiên liệu, dừng sai chỗ (thông qua việc truy cập hệ thống dữ liệu tại Sở TN&MT TP.HCM).

Phát hiện các xe hút hầm cầu có hành vi đổ chất thải không đúng địa điểm quy định (thông qua hệ thống kiểm soát mức nhiên liệu).

Xây dựng được hệ thống tự động cảnh báo cho Sở TN&MT TP.HCM cùng các đơn vị có liên quan trong quá trình giám sát hoạt động của các xe hút hầm cầu.

Một chiếc xe hút hầm cầu đổ bậy bị tạm giữ tại Công an quận Thủ Đức. Ảnh: MP

Quản lý tại chỗ

Thiết bị định vị (GPS) có kích thước nhỏ gọn, được lắp vào trục cần lái của xe vận chuyển bùn hầm cầu. Thiết bị này giúp định vị, nhận dạng hướng di chuyển của xe chở chất thải, sau đó truyền dữ liệu nhận dạng thông qua dịch vụ truyền dữ liệu gói GPRS để truyền dữ liệu về trung tâm là Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát môi trường…

Như vậy, cơ quan quản lý chỉ cần theo dõi qua máy tính nối mạng là kiểm soát được 24/7 hoạt động vận chuyển của các chủ phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu. Nhờ công nghệ này, cơ quan quản lý có thể nắm được một xe chở bao nhiêu tấn bùn hầm cầu, xe vận chuyển như thế nào, dừng tại đâu, mỗi lần dừng bao nhiêu phút, có đổ trộm bùn hầm cầu ra môi trường hay không.

Trong năm 2009, TP đã chuẩn bị xong dự án đầu tư thiết bị GPS. Công ty Xử lý chất thải Hòa Bình đã xây dựng nhà máy xử lý bùn hầm cầu tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước. Sở TN&MT TP.HCM cũng sẽ xây dựng thêm một nhà máy xử lý bùn hầm cầu và bùn của các nhà máy xử lý nước thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, Củ Chi. Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã quy hoạch và giao 42 ha đất cho Công ty Thoát nước TP làm trạm tiếp nhận và xử lý bùn của TP.

Hy vọng với những nỗ lực, đầu tư mạnh mẽ của TP, công tác quản lý, giám sát việc thu gom và xử lý chất thải từ bùn hầm cầu sẽ đi vào ổn định, trật tự hơn.

PHI HOÀNG tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới