Ngán ngẩm với con đường ‘dài nhất’ TP.HCM

Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT), đoạn từ Hàng Xanh về cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được mệnh danh là con đường “dài nhất” TP.HCM bởi nhiều năm qua, để đi qua được “trận địa” này, người dân TP phải mất hàng giờ đồng hồ.

Tuyến đường vốn là điểm đen về kẹt xe nhưng từ khi đóng nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) để thi công sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì tình trạng kẹt xe lại càng nghiêm trọng hơn.

Nỗi ám ảnh triền miên

Theo ghi nhận của PV, nhiều ngày qua tuyến này liên tục xảy ra kẹt xe vào giờ tan tầm. Đây là tuyến đường một chiều, gánh toàn bộ lưu lượng giao thông từ ngã tư Hàng Xanh, đường Bạch Đằng, Ung Văn Khiêm đổ về. Bên cạnh đó, điểm cuối của tuyến đường là Bến xe Miền Đông (BXMĐ) nên chỉ cần vài chiếc xe xuất bến cũng cản trở lưu thông khiến các phương tiện đang di chuyển kẹt lại.

Chị Lý Thị Dân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết ngày nào chị cũng phải vật vã di chuyển trên đường XVNT để về nhà. “Con đường vốn nhỏ hẹp nhưng lượng xe di chuyển quá nhiều, để di chuyển qua nút thắt này về nhà tôi phải mất đến 45 phút, có lần cả giờ đồng hồ. Nhiều khi tôi phải đợi hết kẹt xe mới dám về” - chị Dân nói.

Theo Sở GTVT TP, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe là do đường XVNT kết nối khu vực trung tâm với các quận ngoại thành phía đông thành phố, quốc lộ (QL) 13 (là trục đường chính kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai). Ngoài ra, hoạt động của BXMĐ cũng gây ảnh hưởng đến giao thông do các xe ra vào liên tục và các tuyến đường xung quanh như Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm cũng đã trở nên quá tải so với khả năng khai thác.

Đồng thời số lượng xe cá nhân tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, trong năm 2019 số phương tiện đăng ký mới tăng thêm hơn 290.000 xe. Đặc biệt, một số dự án giao thông trọng điểm nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông tại khu vực chưa được triển khai xây dựng như dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm, nút giao ngã năm Đài liệt sĩ.

Các loại xe đổ dồn về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh vào giờ tan tầm. Ảnh: THÁI NGUYÊN

Giải pháp nào cứu con đường đau khổ này?

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết trước mắt sở sẽ tiến hành một số giải pháp kéo giảm tình trạng ùn tắc như rà soát tổng để có kế hoạch, giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực ngã tư Hàng Xanh, XVNT, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh. Đồng thời sở sẽ nghiên cứu tổ chức lưu thông một chiều ô tô hẻm 549 XVNT, tăng cường hệ thống camera giám sát, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý ngay các sự cố và tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị CSGT kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm lưu thông ngược chiều trên đoạn đường này.

Trong tám tháng đầu năm 2019, đường XVNT đoạn từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ xảy ra 558 vụ ùn ứ giao thông. Chín tháng đầu năm 2019 xảy ra 617 vụ, thường kéo dài trên 30 phút và chiều dài dòng xe kéo dài 300 m.

(Theo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn) 

Ngoài ra, sở đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa BXMĐ mới vào hoạt động, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nút giao Đài liệt sĩ, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, mở rộng QL13.

Còn theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, việc QL13 kẹt xe triền miên cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe ở đường XVNT. Bài toán để giải quyết tình trạng này là mở rộng những tuyến đường cửa ngõ. Hiện ban quản lý đang trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mở rộng QL13 lên HĐND TP, quý II-2021 sẽ trình báo cáo chi tiết kỹ thuật. Trường hợp có mặt bằng sớm sẽ triển khai từ năm 2022 và đến 2023 là hoàn thành.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, tuyến đường XVNT là tuyến đường kết nối giao thông các khu vực quan trọng nhưng đã không đảm bảo để kết nối giao thông vì quá tải. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần tiến hành điều chỉnh giao thông tại đây, đặc biệt cần mở rộng đường XVNT, Đinh Bộ Lĩnh để đảm bảo kết nối với hai trục đường là Phạm Văn Đồng và Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, cần phát triển các tuyến đường song song với XVNT, Đinh Bộ Lĩnh để giảm tải cho hai tuyến đường này. Ngoài ra, cần đánh giá tác động môi trường, khoan phát triển nhà cao tầng trong khu vực để hạn chế phát triển giao thông. Từ đó tình hình giao thông khu vực này mới cải thiện được.

Bến xe Miền Đông mới nhiều lần lỗi hẹn

Cụ thể, theo kế hoạch ngày 15-8, BXMĐ mới sẽ được đưa vào hoạt động giai đoạn 1, gồm 29 tuyến vận tải hành khách cố định với giao thông cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra phía Bắc) nhằm giảm tải số lượng xe cho BXMĐ hiện hữu và giảm áp lực giao thông khu vực này. Tuy nhiên, dù Sở GTVT đã nhắc nhở Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nhiều lần nhưng đến thời điểm hiện nay, Samco vẫn chưa “chốt” được thời gian đưa BXMĐ mới vào hoạt động.

Trước đó, thời gian khai trương BXMĐ mới cũng đã hai lần lỡ hẹn. Dự kiến ban đầu đưa vào sử dụng dịp tết Nguyên đán 2018 nhưng sau đó dời đến quý I-2019.

T.NHUNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm