Ngăn nội tạng động vật bẩn lên bàn nhậu: Mức xử phạt chưa đủ mạnh

(PLO)- Dù đã có quy định để xử phạt đối với một số hành vi liên quan đến an toàn thực phẩm, thế nhưng đã đến lúc lập các rào cản hữu hiệu hơn để nước chúng ta không thành là nơi tiêu thụ các loại phế phẩm động vật bẩn từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, báo Pháp Luật TP.HCMcó loạt bài điều tra về các kho hàng ở Đà Nẵng, Lâm Đồng lưu trữ, cung cấp cả tấn vú heo, dồi trường trôi nổi từ Trung Quốc cho các quán ăn trên địa bàn TP Đà Lạt, cùng với đó là “công nghệ” biến vú heo thành nầm bò ở các quán nhậu cho thực khách. Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý.

Việc phát hiện một vài tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Và hầu như tháng nào cũng có việc các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ hàng tạ, hàng tấn, có vụ hàng chục tấn, chủ yếu là phụ phẩm động vật (trứng non; chân gà; vú, dồi trường, tim, da, xương heo, bò, ngựa...).

Các loại phụ phẩm động vật trên chủ yếu là hàng nhập lậu bằng nhiều con đường như tiểu ngạch, hàng tạm nhập tái xuất rồi tuồn ra nội địa, nhập dùng trong chăn nuôi nhưng lén làm thực phẩm cho người...

Dù được các bác sĩ khuyến cáo “hạn chế, không sử dụng...” phủ tạng động vật, Việt Nam là một trong các nước tiêu thụ các loại phụ phẩm động vật vào hàng tốp của thế giới. Các món lòng lợn, vú dê, nầm bò... là món khoái khẩu của nhiều người nên không lạ khi các quán ăn luôn phục vụ cho thực khách những món này (dù các món này có thể có hoặc không có trong menu).

Công an TP Đà Lạt, Lâm Đồng tịch thu hàng tấn nội tạng không rõ nguồn gốc.
Công an TP Đà Lạt, Lâm Đồng tịch thu hàng tấn nội tạng không rõ nguồn gốc.

Sẽ không là vấn đề nếu các phụ phẩm trên được kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn... Đằng này, nó lại không rõ nguồn gốc, có phải là từ vùng có dịch và dĩ nhiên không có hạn sử dụng mà cũng chẳng ai biết nó có được ngâm, tẩm loại hóa chất gì.

Đã có một thời gian chúng ta cấm nhập các loại phụ phẩm trên vì không kiểm soát được, vì có quá nhiều mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây chúng ta cho phép nhập lại mặt hàng này nhưng theo một quy trình vô cùng chặt chẽ, dưới sự giám sát của Cục Thú y và các cơ quan chức năng liên quan. Lợi dụng điều này, các phế phẩm động vật trôi nổi được dịp tràn lan.

Kiểm tra, kiểm soát không xuể nhưng khi bị phát hiện, bắt giữ thì rất khó chứng minh nó là hàng lậu nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý theo diện hàng không kiểm dịch, không hóa đơn chứng từ mà mức phạt theo quy định là không đủ sức răn đe.

Nhiều quán ăn ở TP Đà Lạt dùng vú heo trôi nổi bán cho thực khách
Nhiều quán ăn ở TP Đà Lạt dùng vú heo trôi nổi bán cho thực khách

Hiện nay, theo Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 98/2020 (được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022), Nghị định 115/2018 (được sửa đổi bởi Nghị định 124/2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm... thì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có mức phạt như “gãi ngứa”, là dựa vào giá trị hàng hóa để xử phạt. Trong khi giá trị những mặt hàng này nếu mang đi định giá thì ở mức rất thấp, theo giá phế phẩm động vật chứ không phải giá mà gian thương bán cho người tiêu dùng.

Đó là chưa kể các kho, quán ăn đối phó bằng cách lưu trữ loại hàng này rất ít, mua đến đâu bán đến đó, vì chỉ cần “alo là có liền” nên khi cơ quan chức năng có kiểm tra cũng hiếm khi phát hiện hoặc phát hiện số lượng rất nhỏ.

Đành rằng BLHS có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Ðiều 317 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nhưng muốn xử lý người vi phạm thì yếu tố “biết”, “gây ra hậu quả”, “tái phạm”... mới có thể bị xử lý hình sự. Trong khi việc sử dụng các loại phế phẩm động vật trôi nổi không gây ra hậu quả tức thì lên sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng nên cơ quan tố tụng khó buộc tội và nếu có bị ung thư hay bệnh tật gì khác thì cơ quan chức năng cũng không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả để mà xử lý bọn gian thương.

Vì vậy, dù có quy định nhưng trước nay hiếm thấy có ai bị xử lý hình sự về tội danh này.

Nhìn vào các quy định thì hành vi cung cấp, chế biến, bán... phế phẩm động vật trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đều được luật điều chỉnh nhưng cơ chế kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, chế tài thì chưa đủ sức răn đe nên món khoái khẩu này vẫn hàng phút, hàng giờ đến với thực khách.

Đã đến lúc lập các rào cản hữu hiệu hơn để nước chúng ta không thành là nơi tiêu thụ các loại phế phẩm động vật bẩn từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm