Đây là một trong các đại án mở đầu cho hàng loạt đại án sẽ được đưa ra xét xử trong năm nay.
Đương nhiên, điều ấy cũng có nghĩa là nguyên lý mọi người bình đẳng trước pháp luật đã được thực thi. Có lẽ nhiều người sẽ khó mà ngờ được một cựu ủy viên Bộ Chính trị lại bị đưa ra tòa xét xử sau một thời gian rất ngắn từ khi quy trình tố tụng được bắt đầu ngày 8-12-2017. Từ ngày 8 đến 22-1, công luận được chứng kiến một phiên tòa mà tranh tụng đã được thúc đẩy theo đúng tinh thần cải cách tư pháp đã được thể chế hóa trong hiến pháp và các luật tố tụng.
Có một điểm ít người để ý vì đã trở thành quen thuộc, đó là ông Đinh La Thăng cũng như các bị cáo không còn đứng trước vành móng ngựa, thay vào đó là bục khai báo. Đây chính là một trong những điểm quan trọng trong việc đổi mới mô hình phòng xét xử theo hướng tôn trọng quyền con người mà Hiến pháp 2013 đã hiến định.
Vành móng ngựa có thể coi như đã kết thúc “sứ mệnh lịch sử”. Thân phận pháp lý của bị cáo vì thế cũng trở nên rõ ràng hơn vì vành móng ngựa từng là một công cụ ngầm ý nói rằng: Người đứng trong vành móng ngựa chắc chắn là tội phạm. Cái ám ảnh đó đã được xóa đi và nguyên tắc một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi tốt hơn. Dù chỉ là mặt hình thức nhưng rõ ràng việc vắng bóng vành móng ngựa có tác động rất lớn, không kém gì một sự bình đẳng khác trong mô hình phòng xét xử mới.
Trước đây, vị trí của công tố viên - bên buộc tội và luật sư - bên gỡ tội là rất bất bình đẳng. Chỗ ngồi của luật sư ở bên dưới trong khi chỗ ngồi của kiểm sát viên thực hiện quyền công tố ở bên trên, ngang với HĐXX đã ít nhiều thể hiện vị thế cao hơn của bên buộc tội.
Công cuộc đấu tranh cho sự bình đẳng này có thể nói đã kéo dài 1/4 thế kỷ. Nhưng mãi đến năm 2017, sự bình đẳng tất yếu ấy mới được thực hiện sau quyết tâm của lãnh đạo TAND Tối cao. Trước đó, nhiều ý kiến đã phân tích thấu đáo về tác động giữa “hình thức” - sự bình đẳng về chỗ ngồi với “nội dung” - tương quan giữa bên buộc tội và gỡ tội đối với thực thi quyền con người trong tố tụng. Bởi nếu coi tư pháp như một chỉnh thể thì buộc tội và gỡ tội như hai cánh tay mà nếu thiếu đi một hoặc hai cánh tay không có sự cân bằng tương đối và tố tụng sẽ khuyết đi bản chất công bằng.
Điều này là một thực tế khi trong năm qua nhiều vụ án oan đã được TAND Tối cao xem xét lại, phối hợp hoặc chỉ đạo các cơ quan liên quan xin lỗi những người hàm oan. Chẳng hạn, ông Nguyễn Lâm Sáu ở Đắk Lắk được các cơ quan tố tụng tỉnh này xin lỗi sau hơn 30 năm bị bắt oan. Hay gần nhất là trường hợp ông Mưu Quý Sường, sau khi giã từ cõi đời năm năm mới được các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang xin lỗi vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan 41 năm trước.
Đương nhiên, không thể không kể đến một chủ trương rất đúng đắn nữa của TAND Tối cao khi đích thân chánh án tuyên bố rằng năm 2018 sẽ dừng việc xét xử lưu động. Bởi rõ ràng, tuy có tác dụng tuyên truyền pháp luật ở mức độ nào đó nhưng những hệ lụy mà việc xét xử lưu động gây ra cho một nền tố tụng công bằng, tôn trọng quyền con người dường như lớn hơn rất nhiều so với lợi ích hình thức này mang lại. Đặc biệt, xét xử lưu động, ở một góc nào đó, dường như là một bản án có hiệu lực xã hội tức thì khi mà các bị cáo được coi như tội phạm ngay từ sơ thẩm. Điều này ngược với nguyên tắc hiến định một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Cải cách tư pháp vì thế là một trong những chân kiềng quan trọng giúp xã hội trở nên dân chủ, văn minh và công bằng hơn mỗi ngày. Dư địa cải cách tư pháp chắc chắn còn nhiều. Hy vọng TAND Tối cao sẽ tiếp tục thực hiện những cải cách để nền tư pháp nước nhà thực sự là nơi mà công lý được đảm bảo.