Sau thời kỳ đổi mới đưa kinh tế TP.HCM phát triển vượt bậc, các quan hệ xã hội, pháp luật trở nên chật chội trong những thiết chế từ thời bao cấp để lại. Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, những đột phá cải cách trong lĩnh vực hành chính, tư pháp của TP.HCM đã nảy mầm, dần lan tỏa sâu rộng trong cả nước về sau. Những câu chuyện đổi mới của ngày ấy phút chốc quay về qua hồi ức của cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.
Cái “bắt tay” vì dân
Ông Chính nhớ lại những năm thập niên 1990, nhu cầu cần cấp lý lịch tư pháp (LLTP) ở TP.HCM khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp lý nào chính thức quy định cơ quan chịu trách nhiệm cấp LLTP nên người dân rất phiền lòng khi “gõ cửa” các nơi. Do đặc thù tình hình lịch sử đất nước, dữ liệu về án tích của công dân thuộc ngành công an quản lý nhưng họ không được giao nhiệm vụ cấp LLTP nên rất dè dặt, chỉ cấp hạn chế nhằm tạm thời “giải quyết tình thế” chờ quy định cụ thể. Còn theo thông lệ quốc tế, LLTP của công dân thường do Bộ Tư pháp cấp nên khi làm những thủ tục xuất cảnh định cư, nhập tịch… thì các cơ quan ngoại giao nước ngoài có băn khoăn chuyện LLTP của ta sao lại do ngành công an cấp.
Năm 1994, ông Chính từ ĐH Luật về làm phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM trong giai đoạn ngành tư pháp đang được Chính phủ tổ chức cơ cấu lại, bổ sung hoàn thiện các thiết chế tư pháp. Lúc đó, Nghị định 38/1993 của Chính phủ chỉ mới quy định chung chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp “thống nhất quản lý nhà nước về LLTP” nhưng chưa rõ là quản lý những gì, quản lý ra sao. Trước nhu cầu bức thiết của TP lúc ấy, ông Chính quyết định đột phá.
Ông bàn với ông Tư Tạo (Trần Văn Tạo - thời điểm đó làm phó giám đốc Công an TP.HCM) rằng “Tư pháp có chức năng quản lý nhà nước về LLTP nên làm cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm cấp LLTP, còn công an có dữ liệu án tích thì cung cấp cho tư pháp để làm căn cứ cấp phiếu LLTP cho dân”. Vậy là hai ông bắt tay ký kết quy trình phối hợp giữa Công an TP và Sở Tư pháp để cấp LLTP cho người dân. Đến nay, các nghị định, thông tư chính thức quy định chi tiết quy trình cấp LLTP áp dụng rộng rãi trong cả nước vẫn tiếp tục sử dụng sáng kiến mô hình này.
TP.HCM là địa phương đầu tiên thành lập phòng công chứng nhà nước và cũng là một trong những nơi đi đầu trong xã hội hóa hoạt động công chứng để phục vụ dân tốt hơn. Ảnh: HTD
TP.HCM là nơi “mở đường” cho việc chuyển chức năng cấp lý lịch tư pháp về ngành tư pháp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Ảnh: HTD
Hỏi thăm ông những khó khăn một thời “dám đột phá”, ông Chính trả lời nhẹ bẫng: “So với bây giờ thì chết luôn. Vì hồi ấy sơ khai, không có quy định hướng dẫn cụ thể nào cả. Chỉ biết là ngành tư pháp có chức năng, nhiệm vụ ấy và tôi với ông Tư Tạo “ký” để vận dụng chủ trương giải quyết nhu cầu của người dân thôi. Dân họ kêu quá, nhu cầu cấp thiết quá, mà họ đòi đúng thì mình phải làm thôi, vướng đâu gỡ đó. Mà làm đúng chủ trương, chính sách, có lợi cho dân thì Thành ủy - UBND TP ủng hộ thôi”.
20 năm đồng hành cùng thừa phát lại
Khoảng năm 1995-1996, giới luật TP.HCM có bản kiến nghị gửi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề nghị cho thi hành chế định thừa phát lại (TPL). Khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao kiến nghị này cho TP.HCM gửi gắm nghiên cứu để thực hiện.
Lúc ấy, ông Chính đang làm phó giám đốc Sở Tư pháp được phân công trực tiếp làm đề án khoa học và mối duyên đó đã gắn kết ông đồng hành với TPL suốt 20 năm qua.Ông Chính sau đó đã trở thành giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa X, XI, rồi thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ông góp phần không nhỏ để đề án nghiên cứu TPL năm nào được ghi nhận vào Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, được Quốc hội phê chuẩn thí điểm đầu tiên tại TP.HCM và đến nay đã mở rộng ra 13 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhắc về hành trình dài xa tắp ấy, ông Chính hào hứng phân tích những lợi thế của TPL, những kỳ vọng tiềm năng đem lại nhiều lợi ích cho người dân và hệ thống tư pháp. Nhờ vi bằng của TPL mà người dân có thêm công cụ tạo lập chứng cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong lĩnh vực dân sự, ngăn ngừa những rủi ro, tranh chấp lợi dụng “ăn vạ”. Một số trường hợp các cơ quan chính quyền cũng có nhu cầu nhờ TPL lập vi bằng để đảm bảo minh bạch, công khai trong thực hiện chính sách. Hoạt động tống đạt văn bản, thi hành án dân sự cũng giúp giảm tải cho ngành tòa án và thi hành án dân sự, đảm bảo tính khách quan, chính danh, nâng cao vị thế của cơ quan tố tụng.
Chú trọng phục vụ, đừng ôm đồm
TP.HCM là địa phương thành lập phòng công chứng nhà nước và bổ nhiệm công chứng viên đầu tiên trong cả nước. Ông Chính kể: Một dạo các phòng công chứng bị quá tải chuyện sao y bản chính bằng cấp, giấy tờ, người dân đi sao y phải chờ đợi lâu, phiền hà nhiều. Chúng tôi thấy sao y có gì ghê gớm đâu mà phải công chứng viên ký, giao về cho phường - xã làm cũng được. Vậy là Sở Tư pháp TP.HCM đã kiến nghị lên UBND TP và Bộ Tư pháp phân cấp việc sao y từ công chứng về phường - xã, quận - huyện. Kiến nghị được ghi nhận, đưa vào các thông tư, nghị định, luật và triển khai thực hiện đến nay cho thấy hiệu quả rất tốt, người dân rất đồng tình.
Sau này, khi xã hội hóa công chứng trong cả nước thì TP.HCM cũng đi đầu triển khai, không ôm đồm níu giữ công chứng nhà nước mà mạnh dạn khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng (công chứng “tư”), xác định vai trò bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề công chứng, không phân biệt văn phòng công chứng “tư” với các phòng công chứng, thúc đẩy cạnh tranh, phục vụ người dân tốt hơn. Hoạt động công chứng không còn là thủ tục hành chính mà được chuyển thành một dịch vụ bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân khi cần thiết trong các giao dịch dân sự.
Ông giám đốc Sở Tư pháp của những cải cách Lúc là giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, vừa là ủy viên của Ban Cải cách hành chính TP.HCM (giai đoạn 1991-2000), ông Võ Văn Thôn đã có rất nhiều đề xuất đổi mới giúp cho sự vận hành của ngành tư pháp cũng như bộ máy hành chính của TP được nhanh hơn, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như việc đưa các sở, ngành hội tụ về trụ sở UBND TP. Điều này đã giúp TP tiết kiệm rất nhiều tiền, nhân dân bớt phải chạy tới chạy lui. ông Võ Văn Thôn cũng là người đề xuất khoán quỹ lương. Ông kể: “Lúc đó không ai định được sở có bao nhiêu người, một phòng cần bao nhiêu nhân lực. Cho nên các đơn vị này cứ năm nay xin thêm năm người, năm tới lên lại cằn nhằn không đủ sức làm, gây chậm trễ nên lại xin thêm năm người. Mà cứ mỗi sở tăng năm người thì biên chế TP tăng lên cả trăm người”. Trước tình hình đó, ông Thôn mới đề xuất khoán quỹ lương. Ông Thôn cũng chính là người đề xuất đổi mới cách chấm điểm thi đua trong ngành tòa án. “Ngành tòa án hồi đó chấm điểm thi đua theo kiểu cộng các án xử trong một năm, tòa án nào xử nhiều thì đạt hạng nhất, tòa án nào xử ít thì hạng thấp”, ông nhớ lại. Khi về làm giám đốc Sở Tư pháp, ông Thôn đánh giá cách tính như thế không đúng, vì nếu tính như thế TAND quận 1 lúc nào cũng đứng hạng nhất vì năm nào cũng cả ngàn vụ án, còn huyện Củ Chi lúc nào cũng thi đua chót bảng vì năm nào cũng chỉ có vài chục án. Do đó, ông Thôn đề xuất đổi mới thi đua theo tỉ lệ: Lấy số án xử chia với số thẩm phán, nếu tỉ lệ đó chia ra mà tòa án nào cao thì tòa án đó làm việc nhiều. “Với cách tính thi đua này, tôi mời tất cả chánh án tòa án lên họp và phát biểu ý kiến, ai cũng cho là hợp lý. Sau đó, tôi ký ban hành và báo về cho Bộ Tư pháp. Sau khi thi hành, TAND huyện Củ Chi mới lên đứng được hạng nhất. Ở huyện này, hai thẩm phán mà xử hơn 50 vụ”, ông Thôn nhớ lại. TÁ LÂM |