Trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM diễn ra gần đây, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lo ngại về tình trạng thanh niên phê ma túy đá. “Mối nguy của đối tượng ngáo đá này là mất kiểm soát hành vi, hung hãn gây nguy hiểm cho xã hội... Cơ quan chức năng cần xem lại công tác quản lý đối tượng này” - bà Trâm nêu. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được cơ quan chức năng trả lời tại phiên thảo luận.
Thực tế, mối lo ngại của bà Trâm là có căn cứ vì có nhiều người nghiện, tái nghiện nhưng khó cách ly họ vì vướng nhiều thủ tục.
Thiếu hướng dẫn
Ông Mai Ngọc Thuần, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân, cho hay: Gần đây nhiều người ngáo đá gây nên các hành vi vi phạm pháp luật, gây bất an cho xã hội.
Chỉ ở Bình Tân, hai năm gần đây, số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến người nghiện chiếm tỉ lệ khá cao. Chỉ năm 2017, trên địa bàn quận có 92 người nghiện ma túy vi phạm pháp luật hình sự bị bắt giữ, chiếm hơn 34%. Sắp tới, Bình Tân sẽ tiếp nhận gần 30 người nghiện từ các cơ sở trở về địa phương. Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú đối với các trường hợp này, quận chỉ đưa những đối tượng này vào danh sách quản lý nghiêm.
Với nhóm nghiện ma túy tổng hợp đang điều trị tại địa phương được phân loại thành hai nhóm: Có biểu hiện ngáo và có nguy cơ ngáo để giám sát. Bên cạnh việc cho họ cam kết không tiếp tục sử dụng ma túy, địa phương còn tuyên truyền gia đình, căn dặn họ báo cho địa phương để ngăn chặn kịp thời khi có biểu hiện ngáo.
Ông Thuần nhìn nhận việc quản lý người tái nghiện sau cai cũng đang gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của pháp luật. Theo quy định, người nghiện sau cai được giáo dục tại địa phương trong thời hạn 3-6 tháng, nếu không tiến bộ, tiếp tục nghiện thì mới bị lập biên bản, chuyển hồ sơ ra tòa xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thanh niên bị ngáo đá trèo lên nóc chùa ở quận 8 cố thủ. Ảnh: N.TÂN
“Chưa kể, người nghiện có nơi cư trú ổn định, chấp hành xong quyết định của tòa án trở về nhà, đến nay chưa có hướng dẫn về việc quản lý họ, quận chỉ biết đưa vào danh sách quản lý nghiêm” - ông nói.
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết vấn đề người nghiện tái nghiện phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như ý chí, môi trường, sự kỳ thị của cộng đồng...
Nếu họ không vượt qua được, các cơ quan chức năng tiếp tục động viên họ tự nguyện cai nghiện tại nhà. “Trừ khi Nhà nước đã giúp, động viên… mà họ không từ bỏ thì mới áp dụng biện pháp tiếp theo là bắt buộc cai nghiện” - ông Du khẳng định.
Không biết lên cơn ngáo khi nào
Theo một cán bộ công an ở một xã huyện Hóc Môn, những người sử dụng ma túy đến mức “ngáo đá” thường rất manh động, nhiều trường hợp người nhà, lực lượng chức năng không trở tay kịp.
Theo người này, để quản lý được những người sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá, trách nhiệm của gia đình rất cao. Khi phát hiện, gia đình phải thông báo cho địa phương, đưa đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở xã hội… nhưng phải có sự đồng ý của chính người nghiện, điều này là bất khả thi.
11.231 người nghiện đang điều trị tại tất cả cơ sở cai nghiện tại TP.HCM và khoảng 4.000 người đang điều trị và quản lý tại cộng đồng. |
Trường hợp gia đình khó khăn, phải báo cho địa phương để phối hợp lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. Để phát hiện kịp thời, ngăn chặn tình huống xấu xảy ra, gia đình phải có sự chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý.
Vị cán bộ này cũng thừa nhận địa phương gặp khó trong việc quản lý, xử lý với người ngáo đá. Theo đó, nếu bị phát hiện, địa phương sẽ lập hồ sơ quản lý. Phát hiện họ tái nghiện mới lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc. “Tuy nhiên, để đưa đi cai nghiện bắt buộc cũng phải qua các thủ tục chặt chẽ, mất nhiều thời gian. Lúc này họ bỏ trốn hoặc lén sử dụng ma túy thì không ai quản lý nổi. Vai trò của gia đình trong việc giám sát là rất quan trọng” - người này nói.
Còn một cán bộ điều tra thuộc đội hình sự Công an quận 10 cho rằng mỗi địa phương có các mô hình để quản lý người nghiện, tuy nhiên cũng không thể nào quản suốt 24/24 giờ nên điều quan trọng nhất là gia đình và bản thân người nghiện phải hợp tác. “Họ là con bệnh nên đâu thể theo sát như tội phạm để đề phòng họ sử dụng ma túy đá, ngáo và gây án” - người này cho hay.
Theo cán bộ điều tra này, người sử dụng ma túy đá có thể là bất kỳ ai, họ sử dụng bất cứ lúc nào kể cả khi vui, khi buồn. “Những người đã sử dụng ma túy đá lâu năm, mức độ hòa nhập xã hội của họ gần như rất thấp. Nhiều em khéo che đậy là con ngoan trò giỏi, đến khi nghiện nặng, lên cơn ngáo thì gia đình mới hay” - ông nói.
Tại Hà Nội, Công an phường Thịnh Liệt có cách đưa người sử dụng ma túy đá đi chữa bệnh rất hay là: Khi phát hiện người nghiện sử dụng ma túy đá, công an sẽ vận động, thuyết phục người nghiện ngưng sử dụng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp việc vận động là bất khả thi, công an dùng biện pháp nghiệp vụ, đưa thẳng người nghiện vào bệnh viện tâm thần chữa trị khi họ vừa dùng ma túy đá. • Dấu hiệu để nhận biết người nghiện bị ngáo đá: Về lâm sàng, người ngáo đá bị rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi, ớn lạnh, giãn đồng tử, kích thích tâm thần vận động hoặc co giật… Về hành vi, người ngáo đá thường bị rối loạn các hành vi chức năng hoặc rối loạn tri giác. Theo đó, họ thường bị ảo giác, ảo thị, ảo thanh và ảo xúc giác như nói nhiều, lo âu, đa nghi, kích động, bồn chồn, tăng hoạt động, rập khuôn một hành động nào đó; tăng ham muốn tình dục, tăng nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và sau nữa là hoang tưởng tự cao hoặc hoang tưởng bị người khác làm hại. |