Ngày 12-6, hai miền Triều Tiên hội đàm

Bán đảo Triều Tiên đã có thể thở phào nhẹ nhõm sau nhiều tháng đối đầu căng thẳng. Cuộc gặp giữa hai phái đoàn hai miền Nam-Bắc ở làng Bàn Môn Điếm đã nhất trí tổ chức hội đàm cấp chính phủ trong hai ngày 12 và 13-6 tại Seoul. Đây sẽ là hội đàm cấp chính phủ đầu tiên giữa hai miền từ năm 2007.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 10-6 dẫn nguồn từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai phái đoàn cũng nhất trí hai bên sẽ công bố hai tuyên bố riêng rẽ công bố quan điểm về các chủ đề đàm phán sắp tới và chỉ định người đứng đầu phái đoàn đàm phán. Mỗi phái đoàn sẽ gồm năm người.

Hàn Quốc đã dự kiến Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae làm trưởng đoàn và mong muốn ông Kim Yang-gon, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên.

Thông tấn xã KCNA (Triều Tiên) ngày 10-6 cho biết hội đàm liên Triều sắp tới sẽ thảo luận các vấn đề như đưa khu công nghiệp Kaesong hoạt động trở lại, mở lại hoạt động du lịch trên núi Kim Cương, đoàn tụ gia đình ly tán trong chiến tranh và nhiều vấn đề nhân đạo khác.

Trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Song-hye (phải) bắt tay trưởng phái đoàn Hàn Quốc Chun Hae-sung tại cuộc họp ở Bàn Môn Điếm ngày 9-6. Đây là cái bắt tay đã được thế giới chờ đợi từ lâu. Ảnh: AP

Hội đàm cũng sẽ thảo luận về phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm hai miền ký Tuyên bố chung Nam-Bắc ngày 15-6-2000 và Tuyên bố chung Bắc-Nam ngày 4-7-1972.

Tân Hoa xã ghi nhận hai nhân vật cấp bộ trưởng dẫn đầu hai phái đoàn đàm phán sắp tới đều là những người có kinh nghiệm và có thẩm quyền giải quyết các vấn đề gai góc, từ đó cho thấy hội đàm sắp tới chú trọng nhiều về nội dung hơn hình thức.

Theo hãng tin AP, Triều Tiên chấp nhận đàm phán là thắng lợi chính trị và ngoại giao đối với Tổng thống Park Geun-hye, người đã kiên định chính sách đáp trả cứng rắn nhưng đồng thời cũng sẵn sàng đối thoại xây dựng niềm tin chính trị.

GS Kim Yong-hyun ở ĐH Dongguk (Hàn Quốc) nhận xét Bình Nhưỡng muốn cải thiện quan hệ với Seoul vì Bình Nhưỡng rất muốn đối thoại với Mỹ, nước sẵn sàng viện trợ cho Triều Tiên và nới lỏng trừng phạt.

Ông dự báo vấn đề hạt nhân sẽ không nằm trong chương trình hội đàm sắp tới vì Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp vấn đề này với Mỹ hoặc tại vòng đàm phán sáu bên.

Theo chuyên gia Chang Yong-seok ở Viện Nghiên cứu hòa bình và thống nhất thuộc ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Triều Tiên muốn làm dịu lại cảm giác khủng hoảng trong bối cảnh ngày càng bị quốc tế cô lập, trong đó có đồng minh Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời GS Lee Jung Hoon ở ĐH Yonsei (Hàn Quốc) ghi nhận Triều Tiên phải ngồi vào bàn đàm phán vì Trung Quốc đang ngày càng tách rời Triều Tiên.

Báo Korea Times (Hàn Quốc) nhận định đây là cơ hội hiếm có, do vậy Hàn Quốc nên tập trung nhiều hơn vào vấn đề xây dựng lại niềm tin giữa hai nước. Báo cho rằng Triều Tiên có thể sẽ từ chối đưa ra bảo đảm bằng văn bản rằng sẽ không lặp lại hành động đơn phương đóng cửa khu công nghiệp Kaesong.

Báo The Australian (Úc) dẫn lời chuyên gia Stephan Haggard ở Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) nói lần này có thể Triều Tiên thành thật muốn cùng Hàn Quốc khắc phục những vấn đề giữa hai nước do chính Triều Tiên gây ra.

Theo Tân Hoa xã, các vấn đề cần giải quyết là những mâu thuẫn phát sinh trong nhiều thập niên chia cắt và thù địch. Do đó, không nhà quan sát quốc tế nào chờ đợi cuộc đàm phán sắp tới sẽ ngay tức khắc biến cựu thù thành bạn tốt. Tuy nhiên, thành Roma không phải xây dựng trong một ngày và điều quan trọng là hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán trước khi bão nổi.

LÊ LINH - H. DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới